Quyền và nghĩa vụ của Bộ Tổng Tham mưu khi thực hiện Luật dân quân tự vệ
Quyền và nghĩa vụ của Bộ Tổng Tham mưu khi thực hiện Luật dân quân tự vệ được quy định tại Điều 3 Thông tư 80/2010/TT-BQP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị quân đội và ban chỉ huy quân sự các bộ, ngành trung ương thực hiện Luật dân quân tự vệ do Bộ Quốc phòng ban hành. Cụ thể là:
Tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về đường lối, chủ trương, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dân quân tự vệ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch, các dự án, đề án, biện pháp xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở các bộ, ngành và các địa phương theo quy định của Luật dân quân tự vệ;
Chủ trì chỉ đạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đào tạo các bộ Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã và chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, giáo dục chính trị - pháp luật và huấn luyện; chỉ đạo hội thi, hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện của lực lượng dân quân tự vệ. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế, thành lập các đơn vị dân quân tự vệ theo quy định của Luật dân quân tự vệ; chỉ đạo, hướng dẫn công tác tham mưu tác chiến và thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ; hướng dẫn, kiểm tra xây dựng, hoạt động và quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị của lực lượng dân quân tự vệ;
Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo nhiệm vụ hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; nắm chắc tình hình liên quan, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và hoạt động theo các nhiệm vụ quy định tại Điều 8 Luật dân quân tự vệ.
Chỉ đạo các cục chức năng thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Cục Dân quân tự vệ
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổ chức quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật dân quân tự vệ và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân quân tự vệ trên phạm vi toàn quốc, cụ thể như sau:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài quân đội tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Quân sự Trung ương đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài quân đội nghiên cứu giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy quân sự trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng các chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ;
c) Chủ trì tham mưu giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các kế hoạch về tổ chức, quy mô tổ chức biên chế, trang bị vũ khí; đề xuất nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ theo chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về dân quân tự vệ; theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ;
d) Chủ trì đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, tổ chức lại Ban chỉ huy quân sự và bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; phối hợp với Cục Quân lực đề xuất với Tổng Tham mưu trưởng quyết định thành lập, giải thể, tổ chức lại các đại đội pháo phòng không, đại đội pháo binh dân quân tự vệ;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài quân đội giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân các chủ trương, chính sách pháp luật về dân quân tự vệ;
e) Chủ trì, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện việc mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng;
g) Chủ trì, tham mưu với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng xác định mục tiêu, chương trình, nội dung đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo phân cấp cho cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, sĩ quan quân đội biệt phái, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ các cấp; tham gia hội đồng tuyển sinh của Bộ Quốc phòng về đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; là cơ quan thường trực ban chỉ đạo đào tạo cán bộ quân sự cấp xã của Bộ Quốc phòng; phối hợp triển khai đào tạo, nắm kết quả đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo;
h) Chủ trì, phối hợp với Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị, Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện giáo dục chính trị - pháp luật, huấn luyện quân sự và diễn tập hội thi, hội thao cho lực lượng dân quân tự vệ ở các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Luật dân quân tự vệ; chỉ đạo, tổ chức hội thao quốc phòng, diễu binh ở cấp quân khu và do Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổ chức;
i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất kiểu dáng, chất liệu và hướng dẫn quản lý, sử dụng trang phục, sao mũ, phù hiệu cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến đồ dùng, mô hình, học cụ mẫu, sản xuất vật chất bảo đảm cho huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ;
k) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu về phương thức, nhiệm vụ hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong thời bình và thời chiến; quy định nội dung, trình tự lập, thông qua và phê chuẩn kế hoạch hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; nắm chắc tình hình, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu; tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, bảo vệ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm công tác vận động nhân dân ở cơ sở;
l) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ diễn tập chiến đấu – trị an, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ ở địa phương. Phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ - Cứu nạn thuộc Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chỉ đạo việc sử dụng lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong thời bình, thời chiến; chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh về quốc phòng – an ninh, tham gia xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc;
m) Giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tổ chức giao ban, kiểm tra, thông báo, báo cáo kết quả việc thực hiện Luật dân quân tự vệ ở các bộ, ngành và các địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết công tác dân quân tự vệ hằng năm và từng thời kỳ;
n) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự chuyên ngành, tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương và lịch sử Ngành dân quân tự vệ. Biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu huấn luyện dân quân tự vệ; tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã và cán bộ chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ các cấp;
o) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong và ngoài quân đội lập dự toán và mức chi cho công tác dân quân tự vệ, chấp hành quy định lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước của Ngành. Phối hợp với Cục Quân lực, Cục Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn thực hiện các quy định về trang bị, sản xuất, mua sắm vũ khí, phương tiện của lực lượng dân quân tự vệ trong thời bình, trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng;
p) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quản lý, sử dụng giấy chứng nhận của dân quân tự vệ; quy định áp dụng các hình thức kỷ luật, thời hạn, trình tự và thẩm quyền kỷ luật đơn vị cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong lực lượng dân quân tự vệ; phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an hướng dẫn mẫu dấu, khắc dấu, kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
2. Cục Quân lực
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế cán bộ cơ quan dân quân tự vệ các cấp; phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất tổ chức, biên chế lực lượng dân quân tự vệ và hướng dẫn các quân khu, địa phương về trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân tự vệ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu; theo dõi chỉ đạo việc đăng ký, quản lý, giữ gìn bảo quản và sử dụng vũ khí, trang bị của dân quân tự vệ trên toàn quốc;
b) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Tổng Tham mưu trưởng quyết định thành lập các đại đội pháo phòng không, đại đội pháo binh dân quân tự vệ;
c) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định;
d) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng về việc mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng.
3. Cục Quân huấn
a) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng về chương trình, nội dung, thời gian bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; giáo dục chính trị - pháp luật, huấn luyện quân sự, hội thi, hội thao cho dân quân tự vệ;
b) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ nghiên cứu xây dựng chương trình, nội dung huấn luyện bổ sung cho dân quân tự vệ khi mở rộng lực lượng trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và trạng thái quốc phòng; chỉ đạo cơ quan quân huấn cấp dưới phối hợp với cơ quan dân quân tự vệ cùng cấp huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ;
c) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và Cục Quân lực xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một; phối hợp với Cục Dân quân tự vệ biên soạn giáo trình, tài liệu huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ.
4. Cục Tác chiến
a) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ đề xuất nội dung hoạt động của dân quân tự vệ trong làng, xã chiến đấu; tham gia chỉ đạo hoạt động của dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các hoạt động khác theo quy định của Luật dân quân tự vệ;
b) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ hướng dẫn, nghiên cứu, phương pháp hoạt động của dân quân tự vệ trong thời bình và thời chiến; tham gia nghiên cứu mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và các trạng thái quốc phòng;
c) Phối hợp chỉ đạo sơ kết, tổng kết hoạt động, diễn tập chiến đấu – trị an, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, công tác tham mưu tác chiến của lực lượng dân quân tự vệ.
5. Cục Nhà trường
a) Chủ trì, phối hợp Cục Dân quân tự vệ chỉ đạo các học viện, nhà trường quân đội xây dựng chương trình, nội dung tổ chức dạy và học về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, công tác dân quân tự vệ; phối hợp với Cục Dân quân tự vệ biên soạn hệ thống tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
b) Phối hợp Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các nhà trường trong quân đội đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở và cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.
6. Cục Cứu hộ - Cứu nạn
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Dân quân tự vệ giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và huấn luyện, diễn tập, hội thao cho lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự;
b) Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và các cơ quan liên quan giúp cơ quan thường trực phòng thủ dân sự của Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ huy động các loại phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai các biện pháp khẩn cấp xử lý, khắc phục hậu quả, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự;
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, sơ kết tổng kết về hoạt động phòng thủ dân sự của lực lượng dân quân tự vệ. Biên soạn tài liệu, huấn luyện về phòng thủ dân sự cho lực lượng dân quân tự vệ.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền và nghĩa vụ của Bộ Tổng Tham mưu khi thực hiện Luật dân quân tự vệ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 80/2010/TT-BQP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Những bài học kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập Đảng đến nay (03/2/1930 - 03/2/2025) theo Kế hoạch 175?
- Chính sách trọng dụng người có phẩm chất năng lực nổi trội đối với cán bộ công chức viên chức theo Nghị định 178?