Trách nhiệm của đơn vị thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ
Trách nhiệm của đơn vị thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định tại Điều 5 Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. Cụ thể là:
1. Tổ chức hoạt động của trạm thu giá tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này.
2. Xây dựng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp với công nghệ thu đang áp dụng tại trạm thu giá và quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố trong quá trình thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu giá để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi gian lận (không mua vé, sử dụng vé giả, quay vòng vé, vé không đúng chủng loại) trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
4. Thực hiện thông báo công khai liên tục trước 05 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu giá khi bắt đầu tổ chức thu về địa điểm trạm thu giá, thời điểm bắt đầu thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Trong trường hợp có thay đổi về mức thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, đơn vị thu giá phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu. Hình thức thông báo công khai bao gồm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và trung ương, đồng thời gửi thông báo đến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu giá phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu giá, bao gồm: tên dự án, tổng mức đầu tư của dự án (tổng mức đầu tư cập nhật theo giá trị quyết toán nếu dự án đã được quyết toán), tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm thu giá tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu giá.
5. Thực hiện quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu giá trong thời gian thu và sau khi kết thúc thời gian thu theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện quản lý chặt chẽ ấn chỉ, doanh thu; báo cáo thống kê, kế toán, hạch toán, quyết toán doanh thu, kê khai và nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật.
7. Định kỳ sao lưu dữ liệu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Dữ liệu của hệ thống quản lý thu bao gồm: các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 05 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 01 năm.
8. Quản lý tài sản được giao quản lý, tài sản nhận bàn giao từ nhà nước, tài sản trạm thu giá hình thành trong quá trình đầu tư theo đúng quy định hiện hành và hợp đồng đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
9. Trang bị tài sản, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ công tác thu; nâng cấp, hiện đại hóa trạm thu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
10. Chấp hành việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu và kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có chủ trương nâng cấp hệ thống công nghệ thu hoặc lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu vào hệ thống công nghệ quản lý thu, nếu đơn vị thu giá không chấp hành hoặc chưa thực hiện thì phải có cam kết thực hiện việc nâng cấp công nghệ thu theo quy định chung, trong đó nêu rõ thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành hoặc cam kết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu vào hệ thống công nghệ quản lý thu. Căn cứ vào báo cáo của đơn vị thu giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và quyết định việc gia hạn thời gian thực hiện.
11. Trong trường hợp hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác thu bị hư hỏng, trục trặc, đơn vị thu giá phải có văn bản báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc báo cáo đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; đồng thời khẩn trương khắc phục các sự cố của hệ thống. Thời gian khắc phục sự cố là không quá 48 giờ, kể từ thời điểm hệ thống bị hư hỏng, trục trặc. Trong thời gian khắc phục sự cố, đơn vị thu giá phải có biện pháp đảm bảo thu nhanh gọn, tránh ùn tắc và có biện pháp giám sát doanh thu sử dụng đường bộ.
12. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực trạm thu giá.
13. Nộp phí sử dụng tài sản nhà nước hoặc tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ (nếu có) theo quy định của pháp luật.
14. Bàn giao lại tài sản trạm thu giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định khi kết thúc hợp đồng. Tài sản bàn giao phải trong trạng thái hoạt động bình thường.
15. Chấp hành quyết định tạm dừng thu, dừng thu, trừ thời gian thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
16. Đơn vị thu giá có trách nhiệm không để xảy ra các hành vi sau:
a) Gian lận giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ;
b) Can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu, hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phương tiện và tiêu cực trong lĩnh vực giám sát tải trọng phương tiện; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu sử dụng đường bộ;
c) Tổ chức bán vé, soát vé không kịp thời, sách nhiễu đối với người mua vé; không bán đầy đủ hoặc hạn chế, giới hạn thời gian bán các loại vé tháng, vé quý theo quy định; gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ tại khu vực trạm thu giá; thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không đúng quy định;
d) Nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông mà không giao vé hoặc giao vé không đúng chủng loại phương tiện lưu thông qua trạm thu giá; để phương tiện giao thông (đối tượng phải mua vé) không có vé đi qua trạm thu giá;
đ) Không thực hiện việc bảo trì tài sản của trạm thu giá; tự ý tháo dỡ, thanh lý, nhượng bán tài sản của trạm thu giá; không thực hiện việc hiệu chuẩn, kiểm định đối với nhóm thiết bị cần phải thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của đơn vị thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Thông tư 49/2016/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?