Đảm nhiệm chức danh thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
Đảm nhiệm chức danh thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 22 Thông tư 56/2014/TT-BGTVT quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau: (Điều này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BGTVT)
1. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thủy thủ hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thủy thủ của các loại phương tiện sau:
a) Phương tiện chở khách ngang sông có sức chở đến 50 người;
b) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;
c) Phương tiện có công suất máy chính đến 50 sức ngựa.
2. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:
a) Tàu khách có sức chở đến 50 người;
b) Phà có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;
c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 150 tấn;
d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn;
đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có tổng công suất máy chính đến 150 sức ngựa.
3. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:
a) Tàu khách có sức chở đến 100 người;
b) Phà có trọng tải toàn phần đến 150 tấn;
c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 1000 tấn (nhưng phải hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh hạng nhì trên phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 500 tấn đủ 03 tháng trở lên);
d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 1000 tấn;
đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này có tổng công suất máy chính đến 400 sức ngựa.
4. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thủy thủ hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thủy thủ của các loại phương tiện.
5. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng cao hơn được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng hạng thấp hơn.
6. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng được đảm nhiệm chức danh thuyền phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng cao hơn một hạng.
7. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng ba được đảm nhiệm chức danh máy trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thợ máy hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thợ máy của phương tiện có tổng công suất máy chính đến 150 sức ngựa.
8. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của phương tiện có tổng công suất máy chính đến 400 sức ngựa.
9. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh máy trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thợ máy hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thợ máy của các loại phương tiện.
10. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng cao hơn được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng hạng thấp hơn.
11. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng được đảm nhiệm chức danh máy phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng cao hơn một hạng.
12. Phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính đến 150 sức ngựa hoặc lắp máy trong có tổng công suất máy chính đến 50 sức ngựa thì không nhất thiết phải bố trí chức danh máy trưởng. Nếu không bố trí máy trưởng độc lập thì thuyền trưởng phải có chứng chỉ thợ máy hạng nhất. Trường hợp phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính trên 150 sức ngựa đến 400 sức ngựa nếu không bố trí máy trưởng độc lập thì thuyền trưởng phải có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng phù hợp với tổng công suất máy chính.
13. Người có chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất được trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.
14. Người có chứng chỉ lái phương tiện hạng nhì được trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người.
15. Người điều khiển phương tiện loại I, loại II tốc độ cao, phương tiện đi ven biển, người làm việc trên phương tiện đi ven biển, phương tiện chở xăng dầu, chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, ngoài GCNKNCM, chứng chỉ nghiệp vụ quy định theo chức danh, phải có CCCM đặc biệt tương ứng.
16. Người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ loại nào thì chỉ được phép đảm nhiệm chức danh tương ứng theo quy định.
Trên đây là nội dung quy định về đảm nhiệm chức danh thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 56/2014/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thực hiện cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, đã đề ra chỉ tiêu tối thiểu về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đến năm 2025 là bao nhiêu?
- Ôm trẻ em có thay thế thiết bị an toàn trên xe ô tô từ ngày 01/01/2026 được không?
- Tải về toàn bộ Phụ lục Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2024 file Word?
- Từ ngày 01/01/2025, sẽ dùng VNeID để thông báo về thi hành án dân sự?
- Khái niệm thất nghiệp? Một số nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp là gì?