Nhiệm vụ quyền hạn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nhiệm vụ quyền hạn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bao gồm những gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thanh Như hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hiện đang công tác tại Ủy ban nhân dân xã. Tôi đang tìm hiểu về Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Vậy ban biên tập cho tôi hỏi nhiệm vụ quyền hạn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

Nhiệm vụ quyền hạn học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được quy định tại Điều 2 Nghị định 48/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, theo đó: 

1. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội:

a) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp của hệ thống chính trị, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước về: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; những vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong nước và trên thế giới; khoa học chính trị; khoa học lãnh đạo, quản lý;

b) Đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch;

c) Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo phân công, phân cấp;

d) Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên và các đối tượng khác về các chuyên ngành khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý và một số ngành khoa học xã hội;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành cho cán bộ làm công tác báo chí và truyền thông, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận, văn phòng, tôn giáo và đối ngoại của hệ thống chính trị.

2. Về nghiên cứu khoa học:

a) Nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, một số ngành khoa học xã hội; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam;

b) Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử phong trào cách mạng thế giới;

c) Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chương trình, nội dung, tổ chức biên soạn, chỉnh lý các giáo trình, tài liệu học tập cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

3. Tham mưu, đề xuất, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối xây dựng và phát triển đất nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Chủ trì, phối hợp hướng dẫn việc nghiên cứu, biên soạn và tham gia thẩm định lịch sử Đảng của các địa phương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; tài liệu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước.

6. Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học với các cơ quan đào tạo và khoa học của các nước, các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cánh tả và tiến bộ, các chính đảng và đảng cầm quyền ở các nước trên thế giới.

7. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức của Học viện theo phân công, phân cấp.

8. Quản lý tài chính, tài sản; quyết định và chịu trách nhiệm về các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định.

9. Xuất bản và phát hành tạp chí, bản tin, các ấn phẩm khoa học, tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện theo quy định của Đảng và Nhà nước.

10. Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao:

a) Đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực đào tạo của Học viện;

b) Quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định của Đảng và Nhà nước;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao.

Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ quyền hạn học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Nghị định 48/2014/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
320 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào