Các giải pháp thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 định hướng đến 2030

Các giải pháp thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 định hướng đến 2030 được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Vân Trang hiện đang sống và và làm việc tại Bình Dương. Tôi có nghe về Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Ban biên tập cho tôi hỏi các giải pháp thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 định hướng đến 2030 được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn. 

Các giải pháp thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030 được quy định tại Mục III Điều 1 Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo đó: 

Các giải pháp thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030 bao gồm:

a) Tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu

- Chuyển đổi phương thức sản xuất:

+ Đối với nông sản: Chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

+ Đối với sản phẩm công nghiệp: Chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.

- Chuyển đổi phương thức xuất khẩu:

+ Chuyển từ xuất khẩu qua trung gian sang xuất khẩu trực tiếp.

+ Chuyển từ xuất khẩu theo điều kiện giao hàng FOB sang xuất khẩu theo điều kiện giao hàng CIF.

b) Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao

- Đối với nông sản xuất khẩu: Chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến, từ sản phẩm chế biến đơn giản sang sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

- Đối với hàng công nghiệp xuất khẩu: Chuyển từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao.

c) Nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu

- Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường.

- Xây dựng năng lực của tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu.

- Thúc đẩy việc xây dựng, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn riêng phổ biến tại các thị trường xuất khẩu chính có khả năng tạo ra các rào cản thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

- Phổ biến, tư vấn, đào tạo doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm xuất khẩu đạt giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng chất lượng quốc tế.

d) Phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các mặt hàng đang và sẽ có lợi thế xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu và tăng tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ được thực hiện thông qua xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường.

đ) Tăng cường vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam

- Khuyến khích doanh nghiệp FDI nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực (dệt may, giày dép, điện tử, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, dụng cụ).

- Ưu tiên và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp FDI liên kết với doanh nghiệp trong nước trong sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.

- Có chính sách thu hút nguồn vốn FDI vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành có tiềm năng xuất khẩu mà doanh nghiệp trong nước còn yếu.

e) Củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu

- Củng cố các thị trường xuất khẩu trọng điểm và truyền thống, đặc biệt chú trọng các thị trường xuất siêu truyền thống (như Hoa Kỳ, EU) và các thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu.

- Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng và các thị trường ngách để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

- Tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại song phương và đa phương theo hướng tạo thuận lợi và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời thúc đẩy công tác vận động để Việt Nam sớm được các nước công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

- Chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm bổ sung và hỗ trợ thị trường xuất khẩu, tăng quy mô sản xuất, hạ giá thành, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.

g) Tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp

- Xây dựng thương hiệu quốc gia chung Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

- Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu.

h) Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp

- Cải thiện môi trường kinh doanh: Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường dịch vụ công trực tuyến, triển khai cơ chế một cửa quốc gia.

- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở (điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông vận tải); phát triển dịch vụ logistics, đưa hàng hóa xuất khẩu tới các thị trường với chi phí và thời gian tiết kiệm nhất.

i) Nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và phương thức quản trị tiên tiến theo các hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa phù hợp với từng thị trường và năng lực của doanh nghiệp; tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu.

- Khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối, giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học (trong nông nghiệp), giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

- Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thương mại thị trường và tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường hỗ trợ doanh nghiệp.

- Hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp).

- Cung cấp thông tin tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

k) Nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng

- Tạo thuận lợi cho hiệp hội phát triển các hoạt động hỗ trợ hội viên về đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại, nhận chứng chỉ chất lượng sản phẩm quốc tế.

- Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hiệp hội xây dựng hệ thống thông tin phân tích, dự báo về cung cầu, giá cả thị trường quốc tế, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường, xúc tiến thương mại của các Bộ, ngành liên quan để cung cấp cho các doanh nghiệp hội viên.

- Tạo thuận lợi cho các hiệp hội tăng cường vai trò liên kết hội viên trong mỗi ngành hàng và giữa các ngành hàng khác nhau.

- Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan bảo đảm các hiệp hội được tham gia đầy đủ trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật.

Trên đây là tư vấn về các giải pháp thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
208 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào