Các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi khi cổ phần hoá
Các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi khi cổ phần hoá được pháp luật quy định tại Điều 17 Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần như sau:
1. Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp; khoản chênh lệch tỷ giá được sử dụng để bù đắp các tổn thất theo quy định hiện hành, số còn lại tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.
Riêng đối với dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp, từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (đối với các hợp đồng đã ký, thời gian bảo hành còn hiệu lực) doanh nghiệp cổ phần hóa được trích theo hợp đồng đã ký và được giữ lại tại công ty cổ phần để thực hiện bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp theo hợp đồng. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập bảng kê chi tiết đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa, công trình kèm theo hồ sơ cổ phần hóa. Hết thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp nếu khoản trích lập dự phòng này không chi hết, còn số dư thì công ty cổ phần có trách nhiệm phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn bảo hành theo hợp đồng.
Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa không thực hiện nộp đúng và kịp thời thì doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm doanh nghiệp nộp tiền vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đối với số tiền chậm nộp và thời gian chậm nộp; phải chịu các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. (Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 116/2015/NĐ-CP)
2. Quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng, dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm, sau khi bù đắp các tổn thất theo quy định được để lại cho doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng phải tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.
3. Quỹ dự phòng tài chính để bù lỗ (nếu có), bù đắp các khoản tài sản tổn thất, nợ không thu hồi được sau khi đã xử lý bồi thường trách nhiệm cá nhân gây ra (nếu có), số còn lại tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.
4. Các khoản lãi phát sinh để bù lỗ năm trước (nếu có) theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bù đắp các khoản tổn thất về tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, giảm giá tài sản, nợ không có khả năng thu hồi, số còn lại phân phối theo quy định hiện hành trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.
5. Các khoản lỗ sau khi đã xử lý theo các quy định nêu trên tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà vẫn còn các khoản nợ đọng của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam) thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện xóa nợ lãi vay theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.
Tại Thông tư 127/2014/TT-BTC về xử lý về tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp như sau:
Việc xử lý các khoản dự phòng, quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng, dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm, chênh lệch tỷ giá, Quỹ dự phòng tài chính và các khoản lãi, lỗ của doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Cụ thể:
Các khoản lãi phát sinh của doanh nghiệp sau khi sử dụng để bù lỗ (nếu có) theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bù đắp các khoản tổn thất về tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, giảm giá tài sản do xác định lại để thực hiện cổ phần hóa, nợ không có khả năng thu hồi, số còn lại phân phối theo quy định hiện hành để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không trùng với thời điểm báo cáo tài chính năm thì việc phân phối, trích lập các quỹ của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư này.
Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa sau khi đã xử lý các khoản lỗ theo quy định tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn lỗ, vẫn còn các khoản nợ đọng của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả Ngân hàng phát triển Việt Nam) thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm làm thủ tục, hồ sơ đề nghị với Ngân hàng cho vay để xem xét xử lý xóa nợ lãi vay theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.
Sau khi đã dùng các biện pháp xử lý nêu trên mà kết quả kinh doanh vẫn còn lỗ thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải báo cáo nguyên nhân dẫn đến lỗ với cơ quan quyết định cổ phần hóa để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, số lỗ còn lại trừ vào phần vốn nhà nước khi xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung câu trả lời về các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi khi cổ phần hoá theo quy định của pháp luật. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo hơn tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?