Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong kiểm tra, thông quan phế liệu nhập khẩu
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì yêu cầu về bảo vệ môi trường trong kiểm tra, thông quan phế liệu nhập khẩu được quy định như sau:
1. Trước khi làm thủ tục nhập khẩu từng lô hàng phế liệu, tổ chức, cá nhân gửi văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân và cơ quan hải quan cửa khẩu nhập (bằng bản fax hoặc thư điện tử).
2. Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định pháp luật hiện hành về hải quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nộp bổ sung cho cơ quan hải quan những văn bản sau:
a) Một (01) Giấy xác nhận (bản sao chứng thực);
b) Văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này (bản sao);
c) Giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu cấp;
d) Văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức chứng nhận phù hợp có tên trong danh sách đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định.
3. Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định pháp luật hiện hành về hải quan, tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nộp bổ sung cho cơ quan hải quan những văn bản sau:
a) Một (01) Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu của tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu;
b) Một (01) Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu còn hiệu lực của tổ chức, cá nhân ủy thác nhập khẩu phế liệu (bản sao chứng thực);
c) Một (01) hợp đồng ủy thác nhập khẩu ký với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã được cấp Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu (bản sao chứng thực);
d) Văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này (bản sao);
đ) Giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu cấp;
e) Văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức chứng nhận phù hợp có tên trong danh sách đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định.
4. Thủ tục kiểm tra điều kiện về bảo vệ môi trường, kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu để thông quan được thực hiện tại cơ quan hải quan cửa khẩu nhập.
5. Cơ quan hải quan căn cứ Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành và hồ sơ quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này quyết định thông quan hoặc giải quyết theo thẩm quyền đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu.
6. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường chưa thể quyết định thông quan hoặc buộc tái xuất, cơ quan hải quan tổ chức giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu hoặc thành lập Hội đồng kiểm tra phế liệu nhập khẩu để đánh giá sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu của lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Hội đồng kiểm tra do cơ quan hải quan thành lập, bao gồm đại diện các cơ quan: Hải quan, cơ quan thẩm quyền cấp Giấy xác nhận, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ, ngành liên quan, chuyên gia tư vấn về môi trường, chuyên gia kỹ thuật của ngành sản xuất có sử dụng loại phế liệu nhập khẩu và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cửa khẩu nhập. Kết luận của Hội đồng kiểm tra là căn cứ để cơ quan hải quan và các cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu.
7. Việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường phải được thực hiện bởi các đơn vị có chức năng theo quy định pháp luật về quản lý chất thải và phế liệu.
Như vậy, việc đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong kiểm tra, thông quan phế liệu nhập khẩu sẽ góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, có nghĩa là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Trên đây là nội dung tư vấn về yêu cầu về bảo vệ môi trường trong kiểm tra, thông quan phế liệu nhập khẩu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?