Khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo loại, khoản cần lưu ý những nội dung gì?
Những nội dung cần lưu ý khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo loại, khoản được quy định tại Mục III Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Mục lục Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Loại 010 “Quốc phòng”
- Các Khoản trong Loại 010 “Quốc phòng” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và thường xuyên được bố trí dự toán trong lĩnh vực quốc phòng cho các hoạt động về quốc phòng, cơ yếu của đơn vị chuyên trách trung ương và địa phương theo phân cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã).
- Các khoản chi công tác dân quân tự vệ của các cơ quan, đơn vị ngoài lực lượng chuyên trách của trung ương và địa phương được phản ánh trong từng lĩnh vực hoạt động tương ứng của từng cơ quan, đơn vị; không hạch toán vào Loại 010 “Quốc phòng”.
2. Loại 040 “An ninh và trật tự an toàn xã hội”
- Các Khoản trong Loại 040 “An ninh và trật tự an toàn xã hội” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và thường xuyên được bố trí dự toán trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội cho các hoạt động về an ninh và trật tự an toàn xã hội của đơn vị chuyên trách trung ương và địa phương theo phân cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã).
- Chi công tác an ninh và trật tự an toàn xã hội tại các cơ quan, đơn vị ngoài lực lượng chuyên trách của trung ương và địa phương được phản ánh trong từng lĩnh vực hoạt động tương ứng của cơ quan, đơn vị; không hạch toán vào Loại 040 “An ninh và trật tự an toàn xã hội”.
3. Loại 070 “Giáo dục - đào tạo và dạy nghề”
- Các Khoản trong Loại 070 “Giáo dục - đào tạo và dạy nghề” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và thường xuyên cho các hoạt động giáo dục - đào tạo và dạy nghề.
- Trường hợp cơ sở giáo dục có nhiều cấp giáo dục gắn với nhiều Khoản mà không tách riêng được từng hoạt động theo từng Khoản thì hạch toán vào Khoản chiếm tỷ trọng chi ngân sách lớn nhất. Việc xác định mã Khoản như sau: Cơ sở giáo dục mới thành lập thì tính theo tỷ lệ khi mới thành lập; trường hợp đã thành lập từ năm 2017 về trước thì tính theo dự toán năm hiện hành; mã Khoản được xác định theo nguyên tắc trên sử dụng trong suốt quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục “ghép” các cấp học. Ví dụ:
+ Trường khuyết tật có các cấp giáo dục là tiểu học và trung học cơ sở, mà không tách riêng chi cho từng hoạt động cho từng cấp, trong đó giáo dục tiểu học chiếm tỷ trọng lớn hơn thì hạch toán theo Khoản 072 - Giáo dục tiểu học.
- Khoản 075 “Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi cho các hoạt động bao gồm: Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
- Khoản 084 “Đào tạo ngoài nước” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi cho đối tượng trong nước được hưởng theo chế độ đào tạo dài hạn tại nước ngoài được NSNN đài thọ. Đối với đào tạo ngắn hạn nước ngoài trong các chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ, phản ánh, hạch toán vào Khoản 085 “Đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ khác cho cán bộ, công chức, viên chức (gồm cả đào tạo ngắn hạn nước ngoài)”.
4. Loại 100 “Khoa học và Công nghệ”
- Các Khoản trong Loại 100 “Khoa học và Công nghệ” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và thường xuyên được bố trí từ dự toán ngân sách thuộc lĩnh vực chi khoa học và công nghệ. Trường hợp các dự án, đề tài nghiên cứu được bố trí từ dự toán các lĩnh vực khác như: Quản lý hành chính, các hoạt động kinh tế, bảo vệ môi trường,..., bố trí từ dự toán của lĩnh vực nào, thì hạch toán vào lĩnh vực đó; không hạch toán vào Loại, Khoản của lĩnh vực chi khoa học và công nghệ.
- Khi bố trí chi ứng dụng khoa học công nghệ ở địa phương từ lĩnh vực Khoa học công nghệ theo chế độ, thì hạch toán theo Loại Khoa học và Công nghệ.
5. Loại 130 “Y tế, dân số và gia đình”
- Các Khoản trong Loại 130 “Y tế, dân số và gia đình” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi đầu tư và thường xuyên cho các hoạt động y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng do NSNN mua hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và chi vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế khác, dân số và gia đình.
- Khoản 132 “Khám bệnh, chữa bệnh” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi cho các hoạt động của bệnh viện, trạm xá, các phòng khám, chỉnh hình, phục hồi chức năng và điều dưỡng thuộc ngành y tế.
Các khoản chi của cơ sở phục hồi chức năng và điều dưỡng thuộc lĩnh vực bảo đảm xã hội hạch toán vào Khoản tương ứng thuộc Loại 370 “Bảo đảm xã hội”.
- Khoản 133 “Hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản kinh phí hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách: Người nghèo, người cận nghèo; trẻ em dưới 6 tuổi; học sinh, sinh viên; người có công với cách mạng; người nghỉ hưu; đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp bảo hiểm xã hội do NSNN đảm bảo; thân nhân của người hiện đang phục vụ trong lực lượng vũ trang;...
6. Loại 250 “Bảo vệ môi trường”
- Các Khoản trong loại 250 “Bảo vệ môi trường” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi đầu tư và thường xuyên cho các hoạt động điều tra, quan trắc và phân tích môi trường; xử lý chất thải rắn, lỏng, khí; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường khác; không bao gồm điều tra, quan trắc về tài nguyên, khí tượng thủy văn.
- Trường hợp hoạt động gắn với nhiều Khoản thì hạch toán vào Khoản chiếm tỷ trọng chi ngân sách lớn nhất.
- Các hoạt động bố trí dự toán lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hạch toán ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, không hạch toán ở lĩnh vực các hoạt động kinh tế.
7. Loại 280 “Các hoạt động kinh tế”
- Các Khoản trong Loại 280 “Các hoạt động kinh tế” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi đầu tư và thường xuyên cho các hoạt động nhằm phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, công thương, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, hoạt động dự trữ quốc gia (không bao gồm chi mua hàng dự trữ quốc gia), tài nguyên, khí tượng thủy văn và các hoạt động kinh tế khác.
- Các hoạt động trong từng Khoản; các nhiệm vụ chi, dự án phục vụ cho hoạt động nào thì hạch toán vào Khoản đó.
- Khoản 311 “Cấp, thoát nước” không bao gồm các khoản chi về thu gom, xử lý nước thải (các khoản chi này phản ánh vào Khoản 262 “Xử lý chất thải lỏng”).
- Khoản 314 “Công nghệ thông tin” được sử dụng để phản ánh các khoản chi được phân bổ, giao dự toán trực tiếp cho lĩnh vực công nghệ thông tin.
Dự toán bố trí trong các lĩnh vực khác (như giáo dục, y tế, quản lý hành chính) để đầu tư hoặc mua sản phẩm của lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, thì dự toán bố trí lĩnh vực, Khoản nào thì hạch toán lĩnh vực, Khoản đó và khi đầu tư, mua sắm gì, thì hạch toán vào Mục, Tiểu mục đó.
Ví dụ:
+ Trường học mua máy tính phục vụ công tác chuyên môn thì hạch toán theo Khoản tương ứng thuộc Loại 070 (Giáo dục - đào tạo và dạy nghề); Tiểu mục 6956 - “Các thiết bị công nghệ thông tin” của Mục 6950 “Mua sắm tài sản phục vụ công tác chuyên môn”.
+ Dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước thì hạch toán vào Khoản tương ứng của Loại 340 (Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể).
- Khoản 331 “Hoạt động dự trữ quốc gia” được sử dụng để phản ánh các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản của dự trữ quốc gia và chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia, không bao gồm các khoản chi phục vụ quản lý nhà nước và chi mua hàng dự trữ quốc gia.
- Khoản 332 “Các hoạt động điều tra, thăm dò, khảo sát, tư vấn, quy hoạch trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhân văn” dùng để phản ánh các hoạt động điều tra, thăm dò, khảo sát, tư vấn, quy hoạch trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhân văn; không bao gồm điều tra, quan trắc môi trường; không bao gồm các hoạt động thẩm tra, thăm dò, khảo sát, quy hoạch, tư vấn cho hoạt động của cơ quan, đơn vị đã được hạch toán vào khoản tương ứng của Loại 280.
8. Loại 340 “Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, Đoàn thể”
- Các khoản trong Loại 340 “Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, Đoàn thể” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi đầu tư và thường xuyên cho các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp theo quy định; các hoạt động quản lý nhà nước khác.
- Khoản 341 “Quản lý nhà nước” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi cho các hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Kiểm toán nhà nước. Riêng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được hạch toán theo dự toán Quốc hội quyết định.
- Khoản 361 “Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi hoạt động của các tổ chức: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Khoản 362 “Hỗ trợ các các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi cho các hoạt động của toàn bộ các tổ chức xã hội, đoàn thể được nhà nước giao nhiệm vụ, được NSNN hỗ trợ kinh phí.
- Khoản 368 “Hoạt động khác” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các khoản chi bồi thường cho người bị oan sai, đóng niêm liễn cho các tổ chức quốc tế.
9. Loại 370 “Bảo đảm xã hội”
- Các Khoản trong Loại 370 “Bảo đảm xã hội” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi đầu tư và thường xuyên cho các hoạt động nhằm bảo đảm xã hội và thực hiện các chính sách về bảo đảm xã hội bao gồm: chính sách và hoạt động người có công với cách mạng; hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do NSNN chi trả; chính sách và hoạt động đối với các đối tượng bảo trợ xã hội khác và các đối tượng khác. Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bảo đảm xã hội.
- Các khoản chi mua bảo hiểm y tế hạch toán vào Khoản tương ứng trong Loại 130 “Y tế, dân số và gia đình”, không hạch toán vào Khoản của Loại 370 “Bảo đảm xã hội”.
- Khoản 371 “Chính sách và hoạt động phục vụ người có công với cách mạng” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động thực hiện công tác chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh và chi hoạt động của các đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng thương bệnh binh và người có công.
- Khoản 372 “Hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Không bao gồm các hoạt động chăm sóc về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao,... đã hạch toán vào các Loại, Khoản tương ứng.
- Khoản 374 “Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do NSNN chi trả. Không bao gồm: Chính sách đối với các đối tượng đã phản ánh ở Khoản 371, 372, 398.
- Khoản 398 “Chính sách và hoạt động phục vụ các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, gia đình, cá nhân nhận nuôi đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng bảo trợ xã hội khác theo quy định); chính sách đối với các đối tượng khác theo quy định; chi tiền ăn, sinh hoạt phí, trợ cấp cho đối tượng; chi hoạt động và đầu tư các cơ sở nuôi dưỡng đối tượng theo quy định, cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh - Xã hội quản lý (không hạch toán vào Khoản 132). Không bao gồm: Chính sách đối với các đối tượng đã phản ánh ở Khoản 371, 372, 374 nêu trên.
10. Loại 400 “Tài chính và khác”
- Các Khoản trong Loại 400 “Tài chính và khác” được sử dụng để phản ánh, hạch toán các nội dung chi không chi tiết theo lĩnh vực, như: Trả nợ lãi; phí và chi khác tiền vay; viện trợ; chi dự trữ quốc gia; cho vay theo chính sách Nhà nước theo quy định; đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp theo chế độ quy định; các khoản đầu tư phát triển khác theo chế độ quy định; vay và trả nợ gốc; bổ sung quỹ dự trữ tài chính, hỗ trợ các đơn vị cấp trên đóng trên địa bàn và các khoản chi khác ngân sách (chi hoàn trả khoản thu nộp nhầm, nộp thừa, các khoản chi chưa phân loại vào các lĩnh vực nêu trên).
- Khoản 403 “Chi dự trữ quốc gia” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi mua hàng dự trữ quốc gia.
Các khoản chi hoạt động bảo quản hàng dự trữ quốc gia và chi cho đầu tư xây dựng cơ bản cho các cơ sở dự trữ quốc gia hạch toán vào Khoản 331 “Hoạt động dự trữ quốc gia” của Loại 280 “Các hoạt động kinh tế”, không hạch toán vào Khoản này.
- Khoản 404 “Cho vay theo chính sách Nhà nước theo quy định” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi cho vay theo chính sách Nhà nước theo quy định (bao gồm cả khoản chi về chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác).
11. Loại 430 “Chuyển giao, chuyển nguồn”
- Các khoản trong Loại 430 “Chuyển giao, chuyển nguồn” được sử dụng để phản ánh, hạch toán chi các khoản chuyển giao các cấp và chuyển sang năm sau như bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới, nộp ngân sách cấp trên, chuyển nguồn sang năm sau, hỗ trợ địa phương khác theo quy định, dự phòng ngân sách và nhiệm vụ hoàn thuế GTGT theo Luật GTGT.
- Khoản 435 “Hỗ trợ địa phương khác” được sử dụng để phản ánh, hạch toán khoản hỗ trợ ngân sách của địa phương này cho địa phương khác theo quy định.
- Khoản 436 “Nguồn thực hiện chính sách tiền lương” dùng để hạch toán dự toán Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định cho nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu tiền lương tăng thêm khi tăng lương cơ sở.
Khi phân bổ dự toán từ nguồn kinh phí này vào từng lĩnh vực cho các cơ quan, đơn vị và cấp dưới thì hạch toán vào lĩnh vực chi tương ứng đó.
- Khoản 437 “Dự phòng ngân sách” chỉ dùng để hạch toán dự toán dự phòng ngân sách được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.
Khi phân bổ dự toán từ dự phòng ngân sách, phân bổ vào các lĩnh vực chi thì hạch toán vào lĩnh vực chi tương ứng đó.
- Khoản 438 “Hoàn thuế giá trị gia tăng” được sử dụng để phản ánh, hạch toán dự toán, chi hoàn thuế GTGT theo Luật Thuế GTGT.
Trên đây là nội dung quy định về những nội dung cần lưu ý khi sử dụng mục lục ngân sách nhà nước theo loại, khoản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 7078/BTC-KBNN năm 2017.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?
- Có mấy nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
- Luật Phá sản mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn?