Vũ khí thể thao là gì?

Vũ khí thể thao được pháp luật định nghĩa như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thành Chung, tôi đang học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất đam mê thể thao nên các kỳ Seagame, Olympic thể thao tôi đều theo dõi rất nhiều bộ môn thể thao. Trong đó có các bộ môn bắn cung, võ thuật có sử dụng giáo, mác, kiếm. Theo như tôi tìm hiểu thì các loại này được gọi là vũ khí thể thao. Cho tôi hỏi, pháp luật định nghĩa vũ khí thể thao như thế nào? Bao gồm các loại nào? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Thành Chung (thanhchung*****@gmail.com)

Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

Trong đó, khái niệm vũ khí thể thao được quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Cụ thể là:

Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:

a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

Căn cứ quy định đã trích dẫn thì vũ khí thể thao được chia thành các loại cụ thể sau:

- Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

- Các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao.

Vũ khí thể thao được trang bị cho các đơn vị, câu lạc bộ, trường hoặc trung tâm huấn luyện, thi đấu thể thao của Nhà nước. Việc sản xuất, sửa chữa, sử dụng Vũ khí thể thao thực hiện theo quy định đối với vũ khí dân dụng.

Các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm vũ khí thô sơ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 306 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Trên đây là nội dung tư vấn về phân loại vũ khí thể thao. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
2,890 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào