Khi nào thì ra quyết định truy nã bị can?

Trường hợp ra quyết định truy nã bị can được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Tài chính-Marketing. Học kỳ này, em đang học môn Pháp luật đại cương. Trong quá trình học, em gặp một số vướng mắc mong được anh chị hỗ trợ. Cho em hỏi, trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự, trường hợp nào thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã bị can? Nội dung này được điều chỉnh bởi văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Hồng Hạnh (hanh***@yahoo.com)

Trường hợp ra quyết định truy nã bị can được quy định tại Khoản 1 Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.

Theo đó, về mặt nội dung, quyết định truy nã phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự; kèm theo ảnh bị can (nếu có).

Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.

Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.

Như chúng ta đã biết, truy nã bị can là việc cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của bị can khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu nhằm tìm kiếm để xác định bị can đang ở đâu hoặc bắt giữ những bị can đang lẩn trốn, phục vụ cho việc điều tra, xử lý tội phạm.

Về các trường hợp truy nã bị can, điều kiện và trình tự, thủ tục tiến hành truy nã bị can, căn cứ theo quy định trên, có hai trường hợp cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã.

Trường hợp thứ nhất là khi bị can trốn. Điều luật không nói rõ là bị can trốn trong hoàn cảnh nào. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, có thể có các tình huống:

–  Thứ nhất, là người bị khởi tố đã trốn từ trước khi cơ quan điều tra khởi tố bị can;

–  Thứ hai, có thể người đó trốn ngay sau khi bị khởi tố về hình sự trước khi cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố về hình sự đối với người đó hoặc trước khi bị bắt (trong trường hợp phải áp dụng biện pháp ngăn chặn này); – Thứ ba, có thể người bị khởi tố bỏ trốn khỏi nơi tạm giam, tạm giữ.

Trường hợp thứ hai là khi cơ quan điều tra không biết bị can đang ở đâu. Đó là trong những tình huống mà cơ quan điều tra không biết là người bị khởi tố đang ở đâu. Có thể tại thời điểm đó, người bị khởi tố không có thông tin về việc bị khởi tố về hình sự. Có thể, người bị khởi tố đã nhận được thông tin về việc bị khởi tố nhưng chưa nhận được quyết định của cơ quan điều tra hoặc các thông tin chính thức khác về sự cần thiết phải xuất hiện trước cơ quan điều tra và không có ý định bỏ trốn. Mặc dầu vậy cơ quan điều tra không biết được người bị khởi tố đang ở đâu vì vậy mà phải áp dụng biện pháp truy nã.

–  Theo quy định tại Điều luật thì chỉ có Cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định truy nã bị can. Điều luật cũng quy định rõ những thông tin cần thiết phải được ghi trên Quyết định truy nã. Điều này nhằm ngăn ngừa hiện tượng nhầm lẫn có thể xảy ra trong quá trình truy nã. Theo đó, quyết định truy nã bị can phải bao gồm 4 nhóm thông tin:

+ Thứ nhất, là nhóm thông tin về ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã;

+ Thứ hai, nhóm thông tin về người ra quyết định (phải ghi rõ họ tên, chức vụ đang đảm nhận, cơ quan của người ra quyết định…);

+ Thứ ba, nhóm thông tin về bị can – đối tượng bị truy nã: họ tên, tuổi (nếu có nhiều tên họ khác nhau thì cần ghi hết những tên họ đó), nơi cư trú của bị can (nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi rõ những nơi thường xuất hiện); đặc điểm để nhận dạng bị can (chiều cao, khuôn mặt, những đặc điểm dị tật, hoặc những đặc điểm đặc biệt dễ nhận biết…), ảnh của bị can kèm theo, nếu có;

+ Thứ tư, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố. Phải ghi rõ tội danh và điều luật theo Bộ luật hình sự.

Về nghĩa vụ, pháp luật hiện hành yêu cầu mọi người đều có nghĩa vụ phát hiện và có quyền bắt, giữ người bị truy nã. Theo đó, quyết định truy nã phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng là nhằm bảo đảm để những thông tin về việc truy nã, đối tượng truy nã đến được với mọi công dân.

Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp ra quyết định truy nã bị can. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
695 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào