Khi nào thì giám định tư pháp bổ sung trong tố tụng hình sự?

Trường hợp giám định tư pháp bổ sung trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Chào các bạn trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng trong lĩnh vực bất động sản. Gần đây đọc báo tôi thấy một số tin tức nổi bật trong lĩnh vực tố tụng hình sự nên muốn tìm hiểu thêm. Tôi được biết, cùng với các biện pháp như định giá, thực nghiệm,...thì hoạt động giám định tư pháp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự. Một số tài liệu có đề cập đến việc giám định bổ sung. Cho tôi hỏi, hiện nay, hoạt động giám định tư pháp bổ sung được tiến hành trong những trường hợp nào? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều!  Võ Quốc Cường (cuongvo***@gmail.com)

Các trường hợp tiến hành giám định tư pháp bổ sung trong tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 210 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp:

a) Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ;

b) Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.

Theo đó, việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.

Liên quan đến vấn đề này, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin như sau:

Hoạt động giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn, do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Trước những diễn biến phức tạp của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu giám định ở lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự... hằng năm đều tăng.

Do vậy, việc thực hiện hoạt động giám định tư pháp là để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự nói riêng, giải quyết các vụ việc trong hoạt động tố tụng theo trưng cầu hoặc theo yêu cầu nói chung. Vì vậy, công tác giám định tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng trong những hoạt động này.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc tiến hành hoạt động giám định tư pháp đang gặp một số vướng mắc, bất cập, có thể kể đến như: 

- Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của Giám định viên cũng như chế tài xử lý khi Giám định viên làm không đúng, không làm tròn trách nhiệm và gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
 
- Việc giám định giá định thiệt hại một số loại tài sản hiện nay chưa có quy định cụ thể: những tài sản phục vụ nhu cầu giải trí, tài sản có giá trị nghệ thuật; những tài sản nằm ngoài danh mục hàng hóa nhà nước quy định, hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, hàng cấm nhập khẩu…
 
- Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực giám định chưa có quy chuẩn chuyên môn giám định, nhiều vụ việc phải giám định lại nhiều lần với kết quả khác nhau, kết luận giám định tư pháp ở một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan thậm chí mâu thuẫn gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.
 
- Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định nhìn chung thiếu và yếu; nhiều lĩnh vực chuyên ngành ở địa phương không giám định được (xây dựng, sở hữu trí tuệ, tài chính, văn hóa, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ…)
 
- Về chi phí giám định: chi phí giám định tư pháp thông thường là do cơ quan nào trưng cầu giám định chi trả, nhiều trường hợp phải chi trả số tiền lớn trong khi kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự hạn hẹp nên dễ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm trưng cầu giám định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, như kinh phí cho việc trưng cầu giám định tâm thần hoặc bắt buộc chữa bệnh lớn nên ảnh hưởng đến việc trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.
 
- Về đội ngũ cán bộ: số lượng Giám định viên còn hạn chế và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, khả năng giải thích kết luận giám định… chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Một số lĩnh vực thiếu giám định giỏi, thiếu giám định viên chuyên môn.
 
- Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giám định tư pháp chưa chặt chẽ.

Do vậy, để hoạt động giám định tư pháp thực sự phát huy trọn vẹn hiệu quả đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự, những hạn chế, bất cập điển hình như trên phải được tiến hành khắc phục, cải thiện.

Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp tiến hành giám định tư pháp bổ sung trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
220 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào