Khám nghiệm tử thi được tiến hành như thế nào?

Việc tiến hành hoạt động khám nghiệm tử thi trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực kế toán doanh nghiệp. Gần đây, khi theo dõi tin tức, tôi được biết trong quá trình giải quyết các vụ án, hoạt động khám nghiệm tử thi đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm rõ các tình tiết vụ án đặc biệt là với các tội phạm xâm phạm tính mạng của người khác. Tôi thắc mắc không biết, trên thực tế, hoạt động này được tiến hành như thế nào? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các bạn rất nhiều!  Đỗ Ngọc Anh (anh***@gmail.com)

Việc tiến hành hoạt động khám nghiệm tử thi trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau: 

1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.

Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

2. Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định.

3. Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

4. Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.

Theo quy định pháp luật hiện hành, khám nghiệm tử thi là hoạt động điều tra nhằm phát hiện dấu vết tội phạm trên thân thể người chết. Việc khám nghiệm tử thi do Điều tra viên tiến hành và có thể khám nghiệm tử thi mới được phát hiện hoặc tử thi được khai quật, tử thi có thể được mổ để khám xét. Mục đích của công tác khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết của nạn nhân và trong một số trường hợp cụ thể, qua các dấu vết và những biểu hiện trên tử thi còn xác định được hung khí gây án, cách thức gây án…

Kết quả của công tác khám nghiệm tử thi có ý nghĩa rất quan trọng và trong một số trường hợp còn mang tính quyết định trong quá trình giải quyết đối với các vụ án giết người, cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, các vụ án tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn lao động và trong một số trường hợp khác.

Từ những quy định nêu trên, chúng ta nhận thấy, luật chỉ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và thủ tục của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác như Bác sỹ pháp y và người chứng kiến mà không quy định trách nhiệm, nghĩa vụ phối hợp và thực hiện các yêu cầu, đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên) của những người thân của tử thi khi các cơ quan chức năng tiến hành hoạt động khám nghiệm tử thi theo quy định.

Hầu hết các vụ án mạng khi xảy ra thì những người thân của người bị hại đều hợp tác và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành khám nghiệm tử thi. Bên cạnh đó, có rất nhiều vụ án tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chết trong một số trường hợp khác, sau khi xảy ra vụ việc giữa người thân của người bị hại và những người liên quan thỏa thuận với nhau về tình cảm, bồi thường nên cương quyết không hợp tác, phối hợp với các cơ quan chức năng, cương quyết không cho các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tử thi mà không có một quy định, chế tài nào bắt buộc những người này phải chấp hành các yêu cầu, đề nghị của Cơ quan điều tra.

Trong thực tế, khi xảy ra những trường hợp này thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ giải thích, thuyết phục và giáo dục gia đình nạn nhân cho khám nghiệm tử thi nhưng gia đình nạn nhân không chấp nhận thì các cơ quan chức năng chỉ lập biên bản về việc gia đình nạn nhân không hợp tác và cản trở việc khám nghiệm tử thi đồng thời yêu cầu gia đình nạn nhân viết đơn từ chối việc khám nghiệm tử thi và không có ý kiến và khiếu nại gì. Trong trường hợp này, nếu người bị hại là người không có lỗi thì Cơ quan điều tra chỉ thu thập các tài liệu, chứng cứ và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, vì không có kết luận khám nghiệm tử thi và không xác định được nguyên nhân chết. Do đó, người có lỗi gây ra hậu quả chết người nhưng không thể xử lý được (lọt tội phạm).

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định trên cơ sở hồ sơ bệnh án để xác định nguyên nhân chết nhưng cơ quan giám định đều từ chối kết luận vì không đủ cơ sở pháp lý. Còn trường hợp chết tại hiện trường thì không có hồ sơ bệnh án nên không có căn cứ để xác định nguyên nhân chết.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc tiến hành hoạt động khám nghiệm tử thi trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
252 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào