Hoạt động nhận dạng trong tố tụng hình sự được tiến hành ra sao?

Việc tiến hành hoạt động nhận dạng trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên Khoa Luật trường Đại học Huế. Học kỳ này, em đang học bộ môn luật hình sự, trong đó, một vài nội dung liên quan đến mảng tố tụng em còn chưa nắm rõ, mong được anh chị hỗ trợ. Nhờ Ban biên tập trả lời giúp em, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trường hợp cần thiết phải tiến hành hoạt động nhận dạng thì hoạt động này sẽ được tiến hành ra sao? Nội dung này được điều chỉnh bởi văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ các anh chị. Em xin cảm ơn! Nguyễn Minh Phương (phuong***@gmail.com)

Việc tiến hành hoạt động nhận dạng trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:

1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi.

Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận dạng:

a) Người làm chứng, bị hại hoặc bị can;

b) Người chứng kiến.

3. Nếu người làm chứng hoặc bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

Trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó.

5. Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng; điều kiện ánh sáng khi thực hiện nhận dạng.

Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, chúng tôi xin gửi đến bạn một số thông tin như sau:

Nhận dạng là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự do Điều tra viên thực hiện dưới hình thức cho những người trước đây đã trực tiếp tri giác về con người hoặc sự vật nào đó có liên quan đến vụ án hình sự, xem lại bằng chính mắt mình hoặc tai mình, để xác nhận đúng hay không đối tượng mà mình đã mục kích hoặc giọng nói của người mà mình đã nghe.

Nhận dạng được thực hiện bằng cách đưa người hoặc đồ vật, hoặc ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can trực tiếp ngắm, nhìn để họ chỉ ra có hay không người, vật, ảnh mà họ đã nhìn thấy trước đó. Đồng thời, yêu cầu họ xác định đúng người hoặc vật hoặc ảnh mà họ đã nhìn thấy đó. Nhận dạng có thể được tiến hành bằng cách cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can trực tiếp nghe lại âm thanh, giọng nói để họ xác nhận đúng hay không giọng nói của người mà họ đã nghe thấy trước đó.

Thực chất của việc nhận dạng là quá trình người nhận dạng hồi tưởng, tái hiện, so sánh, nhận lại một đối tượng mà họ đã tri giác và ghi nhớ trong ký ức của mình

Có thể phân thành các loại nhận dạng khác nhau, nhưng một cách chung nhất, có hai loại nhận dạng: nhận dạng người và nhận dạng sự vật.

Nhận dạng người là hình thức nhận dạng mà Điều tra viên để cho người làm chứng, người bị hại, bị can quan sát một số người nào đó hoặc một số bức ảnh hoặc tử thi để xác định đối tượng mà họ đã mục kích hoặc để cho người làm chứng, người bị hại, bị can nghe lại giọng nói của một số người để xác nhận giọng nói của người mà mình đã trực tiếp nghe.

Nhận dạng sự vật là hình thức nhận dạng mà Điều tra viên để cho người làm chứng, người bị hại, bị can quan sát một số vật thể, súc vật hoặc ảnh chụp các vật thể, súc vật để họ xác nhận cái hoặc con mà họ đã nhìn thấy trước đó.

Nhằm mục đích khắc phục sự nhầm lẫn, sự ngộ nhận hoặc những sai lầm khác trong nhận thức dẫn đến sự thiếu khách quan, không chính xác trong lời khai của người làm chứng, người bị hại hoặc bị can có thể do nhiều tình tiết khác nhau (người có lời khai không quen biết, hoặc đã gặp nhưng không biết tên, địa chỉ, lai lịch (nếu là người) hoặc không có kiến thức về đối tượng, về những đặc điểm riêng của sự vật đã mục kích dẫn đến dễ nhầm lẫn vật tương tự… cần cho họ tiếp xúc trở lại để xem xét có đúng là đối tượng họ đã có quan hệ, đã trực tiếp nhìn thấy trước đây hay không cho nên việc quy định biện pháp nhận dạng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc tiến hành hoạt động nhận dạng trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
249 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào