Khi nào thì phải tiến hành đối chất trong tố tụng hình sự?
Để giải quyết thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định: Đối chất là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ.
Các trường hợp tiến hành đối chất trong tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:
Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.
Như vậy, căn cứ quy định này, điều luật không nêu rõ những người nào, nhưng đòi hỏi phải có sự mâu thuẫn trong lời khai, điều đó cho phép hiểu rằng chỉ đối chất giữa những người tham gia tố tụng mà những người đó đã được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên lấy lời khai từ trước. Do đó, việc đối chất có thể tiến hành giữa bị can với bị can; giữa bị can với người bị tình nghi, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại; giữa người bị hại với người làm chứng; giữa người làm chứng với nhau…
Theo đó, mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người về những tình tiết, những vấn đề có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án là căn cứ trực tiếp để Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành cho đối chất giữa những người này. Mâu thuẫn ở đây là sự trái ngược nhau, phủ định lẫn nhau giữa những lời khai mang nội dung thông tin về cùng một hoặc một số tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Tóm lại, đối chất chỉ có thể được tiến hành giữa những người có tư cách là người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự được khởi tố và đồng thời phải là những người đã có lời khai về các tình tiết của vụ án cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Không thể có đối chất giữa những người chưa có lời khai, hoặc những người không buộc phải khai báo trước các cơ quan tiến hành tố tụng.
Điều luật yêu cầu trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì tiến hành đối chất. Điều đó có nghĩa là chỉ cần có mâu thuẫn lời khai của hai người là có căn cứ để tiến hành đối chất.
Về biện pháp đối chất, nhà làm luật đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trước khi nhận định lời khai của những người tham gia tố tụng phải kiểm tra kỹ tất cả các tài liệu đã có và xác định chính xác tình tiết khách quan, loại trừ những nhầm lẫn trong thu thập, đánh giá chứng cứ, nhận thức đúng sự thật khách quan của vụ án, kết luận đúng đắn, có đầy đủ căn cứ về hành vi phạm tội của bị can.
Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp tiến hành đối chất trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?