Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong vụ án hình sự được tiến hành thế nào?

Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong vụ án hình sự được tiến hành như thế nào? Xin chào Ban biên tập thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Văn Lang. Học kỳ này em được học môn Pháp luật đại cương, trong đó em hứng thú nhất với mảng hình sự nên muốn tìm hiểu sâu hơn. Em được biết, trong tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi như hiện nay thì các chứng cứ được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử là rất nhiều. Vậy pháp luật hiện hành có quy định việc Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong vụ án hình sự phải được tiến hành thế nào hay không? Nội dung này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều!  Nguyễn Ngọc Anh (0987****)

Việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó: 

1. Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

3. Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử.

4. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.

5. Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.

Trên thực tế, trong lĩnh vực an ninh quốc gia, các thế lực thù địch đã không ngừng tập trung lợi dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông để xuyên tạc, vu khống chống phá Nhà nước. Trên lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, tình hình an ninh mạng Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều vụ tấn công, phá hoại, lây nhiễm virus, phầm mềm gián điệp, mã tin học độc hại nhằm vào hệ thống mạng của cơ quan nhà nước và tư nhân với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng; tình hình lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử gia tăng, làm rối loạn hoạt động của hệ thống thông tin điện tử.

Thời gian qua, những dữ liệu điện tử được thu thập được qua các vụ tấn công của tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông như đã nêu thường được sử dụng có hiệu quả trong công tác trinh sát, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm dưới nhiều hình thức khác nhau, được chuyển hóa làm chứng cứ có giá trị chứng minh về tội phạm. Loại nguồn chứng cứ này gián tiếp phục vụ chứng minh tội phạm có hiệu quả, thậm chí trong nhiều vụ án chỉ thu được thông tin trong dữ liệu điện tử làm chứng cứ và trong nhiều trường hợp, loại nguồn chứng cứ này có ý nghĩa quyết định đến thành công của hoạt động tố tụng hình sự.

Một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội là những vật chứng thu giữ tại nơi tội phạm sảy ra, mang dấu vết tội phạm như: “cookies”, “URL”, web server logs, Email logs... (đây là những thông tin do máy tính tạo ra); hoặc cũng có thể là những thông tin điện tử do con người tạo ra được lưu giữ trong máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác, như các văn bản, bảng biểu, các hình ảnh, thông tin được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử. Bởi vậy, việc công nhận dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ cũng đồng thời thể hiện một bước tiến bộ của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003. 

Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội đều có sự am hiểu về công nghệ và luôn ý thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật, vì vậy chúng rất chú ý đến việc tiêu hủy các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của chúng, vì vậy khi tiến hành điều tra các vụ án có sử dụng công nghệ cao để phạm tội, vấn đề thu thập và phục hồi các chứng cứ điện tử là một hoạt động quan trọng và cần thiết, đòi hỏi lực lượng cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin để có thể đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vụ án hình sự sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Trên đây là nội dung tư vấn về yêu cầu đối với việc tiến hành thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
387 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào