Những người nào không được phép làm người định giá trong vụ án hình sự?
Đối với thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định:Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp người định giá phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi được quy định tại Khoản 5 Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Việc thay đổi người định giá tài sản do cơ quan yêu cầu định giá tài sản quyết định.
Trong Bộ luật Hình sự có rất nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm (hư hỏng, huỷ hoại, chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép,...) là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Vì vậy, việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm về tài sản có phải là tội phạm hay không. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại. Mà bản thân các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại không đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn về định giá để tự mình thực hiện hết toàn bộ các giai đoạn, thủ tục phục vụ cho việc giải quyết các vụ án đòi hỏi phải tiến hành hoạt động định giá. Do vậy, người định giá được xác định có vai trò hết sức quan trọng trong công tác hỗ trợ cho quá trình giải quyết án hình sự nói riêng và các vụ việc liên quan đến tài sản nói chung trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người định giá phải chủ động từ chối việc tiến hành định giá hoặc bị thay đổi bởi cơ quan yêu cầu định giá. Những căn cứ này cho thấy nếu tiến hành định giá thì bản thân hành vi của người định giá sẽ không đảm bảo nguyên tắc khách quan, chính xác, gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết và kết quả vụ án. Lúc này, hoạt động định giá không còn được xem là hoạt động hỗ trợ đắc lực cho việc giải quyết án hình sự nữa mà đã làm cho bản chất các tình tiết của vụ án diễn biến theo một hướng hoàn toàn khác so với sự thật. Do vậy, việc quy định những trường hợp người định giá dù thực hiện chức năng định giá nhưng không được tham gia vào hoạt động định giá như trên là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp người định giá phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?