Cách nào đòi tiền cho bạn ở nước ngoài vay?

Năm 2011, người bạn ở Cộng hòa Czech liên lạc bảo bị bệnh, thất nghiệp nên hỏi vay tiền. Tin bạn, tôi đã chuyển ra nước ngoài cho anh ta 100 triệu đồng. Đã 4 năm qua, bạn tôi nhiều lần hứa hẹn mà vẫn không trả tiền và chưa một lần về Việt Nam. Anh ta không trả lời tin nhắn, điện thoại của tôi. Tôi tìm đến nhà anh ấy ở Hà Nội nhưng họ cũng không giúp hay khuyên anh ta trả nợ. Tôi có đầy đủ giấy chuyển tiền cùng tin nhắn vay tiền và hứa trả. Giờ tôi làm sao để lấy lại được tiền, có thể kiện để yêu cầu gia đình anh ta trả nợ được không?
Theo quy định tại Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2005 về vay tài sản (tài sản vay là tiền), khi đến hạn bên vay phải trả đủ tiền cho bên cho vay. Nếu quá hạn, bên cho vay có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án xét xử, buộc bên vay phải trả nợ theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, việc kiện đòi tài sản là nợ gốc thì pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện nên bên cho vay có thể khởi kiện bất cứ lúc nào.

Điều 34, 36 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án có yếu tố nước ngoài, trường hợp bên vay đang sinh sống ở nước ngoài thì thẩm quyền xét xử thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi nguyên đơn (bên cho vay) sinh sống.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện, các tài liệu về nhân thân người khởi kiện, các thông tin nhân thân của bị đơn, hợp đồng vay nợ, chứng từ giao tiền, các tài liệu về việc gia hạn nợ (nếu có) và các tài liệu khác để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Đối chiếu với các quy định trên, bạn có quyền khởi kiện người vay tại tòa án cấp tỉnh nơi bạn sinh sống để yêu cầu tòa án xét xử theo quy định của pháp luật.

Với trường hợp của bạn, do bên vay (bị đơn) đang ở nước ngoài nên sau khi thụ lý vụ án, tòa án phải tiến hành việc ủy thác tư pháp thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự của nước ngoài mà nước đó và Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này, để cơ quan này tiến hành lấy lời khai của bị đơn theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân dự.

Trường hợp ủy thác có kết quả, tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo luật định. Trường hợp ủy thác không đạt kết quả, căn cứ Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Khi lý do tạm đình chỉ không còn, tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án.

Đối với nguyên đơn, khi phát hiện bị đơn về nước, cần thông báo ngay cho tòa án để tòa án tiếp tục giải quyết vụ kiện. Để ngăn chăn việc bị đơn xuất cảnh, căn cứ Nghị định 136/2007/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, bạn có quyền yêu cầu tòa án ra lệnh cấm xuất cảnh đối với bị đơn cho đến khi vụ việc được giải quyết xong.

Do người vay đã thành niên, có năng lực hành vi dân sự, nên bạn không thể khởi kiện người thân tích của người vay. Nếu bạn gửi đơn thì tòa án sẽ trả lại đơn vì người bị kiện không có quyền và nghĩa vụ gì liên quan đến việc cho vay của bạn.

 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
259 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào