Những đối tượng nào được điều trị miễn phí khi bị phơi nhiễm, lây nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp?
Đối tượng áp dụng chế độ ưu đãi chữa trị phơi nhiễm, lây nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được quy định tại Điều 2 Quyết định 120/2008/QĐ-TTg về điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Cụ thể bao gồm:
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người đang làm việc trong lực lượng vũ trang, người có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đang làm việc trong:
a. Cơ sở y tế;
b. Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chínhngày 02 tháng 7 năm 2002;
c. Cơ sở cai nghiện ma tuý được thành lập theo quy định của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về việc quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh và Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện;
d. Cơ sở chỉnh hình - phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý;
đ. Cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân, người có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đang làm việc trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an quản lý hoặc đang làm việc trong trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
3. Cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân khi đang thi hành công vụ theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
4. Thành viên tổ công tác cai nghiện quy định tại Điều 11 và Tổ trưởng tổ dân cư theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
5. Cán bộ, công chức chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội cấp trung ương, tỉnh, huyện khi đang thi hành công vụ theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
6. Học sinh thực tập tại các cơ sở y tế (bao gồm cả các cơ sở y tế ngoài công lập).
Căn cứ quy định trên, ta có thể gói gọn lại quy định xác định đối tượng bị phơi nhiễm, lây nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp để được hưởng chế độ điều trị ưu đãi kịp thời áp dụng đối với 6 nhóm đối tượng, gồm cán bộ, công nhân viên trong lực lượng vũ trang; cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân, người có hợp đồng lao động làm việc trong trại giam, trại tạm giam, nhà giam giữ, cơ sở giáo dục; thành viên tổ công tác cai nghiện, tổ trưởng dân phố, cán bộ công chức chuyên trách phòng chống tệ nạn ma túy đang thi hành công vụ và học sinh thực tập tại các cơ sở y tế.
Như vậy, hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm hoặc lây nhiễm HIV khi đang làm nhiệm vụ chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng không được cấp chế độ này. Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chi phí cho một lần điều trị phơi nhiễm bằng thuốc ARV do Việt Nam sản xuất khoảng 1,2 triệu đồng.
Đối với thắc mắc của bạn về trường hợp vụ tai nạn xảy ra ở Kon Tum khiến 24 người bị phơi nhiễm HIV trong đó có cả những người dân tham gia cứu giúp nạn nhân, chúng tôi được biết, sau khi sự việc xảy ra, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum để hướng dẫn địa phương tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người tham gia cấp cứu người nhiễm HIV theo quy định. Trong đó, Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh đề nghị cấp thuốc ARV miễn phí cho những người dân trực tiếp tham gia cấp cứu người bị nạn, đồng thời yêu cầu các đơn vị hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.
Theo đó, Trưởng phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, cho biết hiện trung tâm đã cấp phát miễn phí thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV cho 24 người tiếp xúc trực tiếp với máu người bị HIV.
Như vậy, mặc dù theo quy định hiện hành, chế độ điều trị dự phòng miễn phí đối với các trường hợp bị phơi nhiễm, lây nhiễm HIV chỉ được áp dụng đối với những chủ thể đang làm nhiệm vụ chuyên môn mắc phải. Tuy nhiên, trên thực tế, căn cứ tình hình xảy ra vụ việc và nhận thấy hành động của những người dân tuy không thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn nhưng vẫn cứu giúp nạn nhân trong vụ tai nạn. Hành động này góp phần vào lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, do vậy, họ vẫn được ưu tiên hưởng các chế độ điều trị dự phòng theo chỉ thị của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn về điều kiện để xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 120/2008/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?