Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

Điều kiện để xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Hoàng Anh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Vừa qua, tình cờ đọc báo, tôi thấy có bài viết đề cập đến trường hợp 24 người bị phơi nhiễm HIV khi cứu người bị tai nạn ở Kon Tum. Tôi có tìm hiểu sơ qua về vấn đề phòng chống phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên, tôi thắc mắc, theo quy định hiện nay, để xác định một người rơi vào tình trạng phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì cần phải thỏa mãn những điều kiện gì? Có văn bản nào quy định nội dung này hay không? Rất mong Ban biên tập hỗ trợ giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Hoàng Anh (anh***@gmail.com)

Điều kiện để xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được quy định tại Điều 3 Quyết định 120/2008/QĐ-TTg về điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Cụ thể bao gồm:

1. Bị một trong ba tai nạn sau đây khi đang thi hành nhiệm vụ:

a. Bị kim, vật nhọn đâm, vật sắc cứa xuyên qua da hoặc vật làm da bị trầy xước, nứt nẻ mà những vật này đã tiếp xúc với máu, sản phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV;

b. Bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với da bị trầy xước, nứt nẻ;

c. Bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nghi nghiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt, mũi, miệng.

2. Có Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp (theo mẫu Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này). Biên bản này phải được lập trong vòng 48 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, có xác nhận của người làm chứng và được Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người bị phơi nhiễm với HIV ký, xác nhận.

3. Kết quả xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật ELISA của người bị phơi nhiễm với HIV là âm tính. Mẫu máu được sử dụng để xét nghiệm phải được lấy từ người bị phơi nhiễm trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm xảy ra một trong ba tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Liên quan đến nội dung này, chúng tôi xin gửi đến bạn một số thông tin như sau:

Theo định nghĩa của Bộ Y tế thì phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong cuộc sống bạn có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do:

- Bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm.

- Vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu.

- Bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào.

- Máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).

- Bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sỹ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…

 Trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tuỳ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của những hành vi đó. Trong trường hợp gặp rủi ro, việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp bạn hoặc người thân hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV.

Sau khi xảy ra tai nạn nghề nghiệp hoặc các rủi ro khác có nguy cơ phơi nhiễm, nạn nhân phải được xử lý vết thương, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm. Đối với những trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm thì không cần điều trị. Với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus HIV (ARV).

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 tiếng. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong bốn tuần và có thể sử dụng các phác đồ sau theo chỉ định của bác sĩ: ZDV + 3TC hoặc d4T + 3TC.

Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng không được cấp chế độ này. Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chi phí cho một lần điều trị phơi nhiễm bằng thuốc ARV do Việt Nam sản xuất khoảng 1,2 triệu đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về điều kiện để xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 120/2008/QĐ-TTg.

Trân trọng!

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
560 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào