Hoạt động kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự được quy định thế nào?

Hoạt động kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Thanh Nhàn, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Gần đây, khi tìm hiểu về lĩnh vực tố tụng hình sự tôi được biết, để đảm bảo quá trình điều tra, xét xử vụ án được tiến hành công bằng, minh bạch, thì bắt buộc phải có hoạt động kiểm tra, giám sát. Không biết pháp luật hiện hành quy định ra sao về cơ chế kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự? Tôi có thể tham khảo thêm vấn đề này ở đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều!  Phan Thị Thanh Nhàn (0908****)

Việc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó: 

1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền; thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

2. Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật.

Như vậy, để đảm bảo quá trình thực hiện hoạt động tố tụng diễn ra công khai, minh bạch, công bằng, tuân thủ pháp luật thì bắt buộc phải hình thành cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau và giữa cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trên thực tế, ta thấy hoạt động tố tụng hình sự đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công tác ban hành, áp dụng pháp luật để ổn định trật tự xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, quá trình xét xử và tuyên án có khả năng thay đổi cả vận mệnh, cuộc đời của một công dân, do vậy đòi hỏi tính chính xác, đảm bảo sự thật khách quan, công bằng rất cao. Cho nên, việc tiến hành kiểm tra, giám sát là hoạt động hết sức cần thiết để tăng tính trách nhiệm, kỹ lưỡng trong tất cả các khâu, các cá nhân, cơ quan được pháp luật trao cho thẩm quyền lập lại ổn định trật tự xã hội bằng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,...giảm đến mức thấp nhất các trường hợp xảy ra sai sót, xét xử oan sai, đi lệch hướng các nguyên tắc đề ra trong tố tụng hình sự. 

Trên đây là nội dung tư vấn về việc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
263 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào