Mang đá khô lên máy bay phải đáp ứng điều kiện gì?

Mang đá khô lên máy bay phải đáp ứng điều kiện gì? Chào các bạn trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang đi du lịch cùng một số bạn bè ở Đà Nẵng. Lúc về tôi dự định mua một số hải sản làm quà cho gia đình. Tuy nhiên vì di chuyển bằng máy bay nên việc đóng gói, bảo quản hơi bất tiện. Một vài người bạn chỉ tôi cách dùng nước đá khô để bảo quản hải sản mang theo. Tôi nghe nói, hiện nay, thủ tục kiểm tra đối với những hàng hóa, vật dụng như đá khô rất nghiêm ngặt. Không biết tôi phải đáp ứng những điều kiện nào để được mang đá khô lên máy bay? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều! Trương Phương Mỹ Uyên (0903****)

Hiện nay, do công dụng làm lạnh và bảo quản độ tươi ngon của thức ăn hiệu quả nên đá khô được sử dụng khá phổ biến trong việc đóng gói, bảo quản các sản phẩm thực phẩm tươi sống đặc biệt là đối với những trường hợp cần vận chuyển thức ăn đi xa. Điều kiện để mang đá khô lên máy bay được quy định tại Phụ lục II Quyết định 633/QĐ-CHK năm 2016 về Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm mang theo người, hành lý lên tàu bay và Danh mục vật phẩm là hàng nguy hiểm được phép mang theo người, hành lý lên tàu bay.Theo đó: 

Hành khách được phép mang đá khô lên máy bay dưới dạng hành lý ký gửi hoặc hành lý xách tay chứ không được mang theo người. Trước khi mang lên, hành khách cần phải được người khai thác tàu bay (hãng hàng không) chấp nhận vận chuyển. Đồng thời phải tuân theo các quy định sau: mỗi người không được mang quá 2,5 kg đá khô dùng để bảo quản vật dễ bị hư hỏng không nằm trong quy định của Doc 9284; với điều kiện đóng gói phải bảo đảm cho thoát khí carbon dioxide.

Khi vận chuyển như hành lý ký gửi, mỗi kiện phải được dán nhãn như sau:

a) “DRY ICE” hoặc “CARBON DIOXIDE, SOLID”;

b) Khối lượng của đá khô hoặc ký hiệu chỉ rõ khối lượng từ 2,5 kg trở xuống.

Bản chất của đá khô là loại sản phẩm được sản xuất bằng cách nén khí cacbon điôxít - CO2  thành dạng lỏng, loại bỏ nhiệt gây ra bởi quá trình nén và sau đó cho CO2 lỏng giãn nở nhanh. Trong điều kiện môi trường kín, khi gặp điều kiện áp suất nhất định, đá khô dễ gây ra hiện tượng nổ vì khí CO2 liên tục thăng hoa, tiềm tàng khả năng đe dọa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Do vậy mà đá khô được liệt kê vào danh mục các vật phẩm, hàng hóa nguy hiểm hành khách được phép mang lên máy bay khi đáp ứng những điều kiện nhất định.   

Thực hiện quy định trên, tại các cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không đều tiến hành rất nghiêm ngặt đối với công tác soi chiếu an ninh, kiểm tra, giám sát đối với việc tiếp nhận vận chuyển hành lý, hàng hóa của hành khách có chứa đá khô. Tốt nhất , trước khi lựa chọn sử dụng dịch vụ của hãng hàng không nào và muốn mang đá khô lên máy bay theo hành lý, bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định cụ thể của hãng đó đối với loại sản phẩm này để đảm bảo chuyến bay được an toàn và thuận lợi.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về điều kiện để mang đá khô lên máy bay. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại  Quyết định 633/QĐ-CHK năm 2016. 

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
502 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào