Quy trình lọc thận được thực hiện như thế nào?

Quy trình lọc thận được thực hiện như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Thương Nga. Tôi đang sinh sống và làm việc tại Hòa Bình. Gần đây, tôi có theo dõi tin tức và biết được là có 18 bệnh nhân gặp sự cố trong quá trình chạy thận tại Bệnh viện đa khoa ở tỉnh tôi và có 8 người đã tử vong. Tôi không biết là pháp luật có quy định gì về quá trình chạy thận này không và để xảy ra sự cố như vậy thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Văn bản pháp luật nào quy định những vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (090***) 

Căn cứ theo Quyết định 1338/2004/QĐ-BYT Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có hướng dẫn chi tiết về quy trình lọc thận bao gồm 3 giai đoạn, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị

1. Cán bộ chuyên khoa:

Nhân viên thực hiện kỹ thuật rửa quả lọc thận nhân tạo để dùng lại cần được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật, phải được trang bị bảo hộ lao động: Kính mắt, khẩu trang, quần áo, găng tay...

2. Phương tiện:

2.1. Chọn màng sử dụng lại:

- Màng có tính thấm trung bình hoặc cao

- Màng làm bằng nguyên liệu tổng hợp hoặc bán tổng hợp

2.2. Nước rửa:

- Nước RO đạt tiêu chuẩn

2.3. Chất làm sạch và tiệt trùng:

- Formaldehyde: 2% - 4% (nhiệt độ phòng)

- Hydrogen peroxyd: 4%

- Acid acetic: 4% (thường kết hợp với hydrogen peroxid)

- Acid citric: 1,5%, kết hợp với nhiệt độ 900C

- Glutaraldehyde: 0,8% - 4%, không kết hợp với sodium hypochlorit

2.4. Hệ thống xử lý quả lọc:

- Vận hành đúng.

- Kiểm tra, bảo hành và hiệu chỉnh thường xuyên.

3. Người bệnh và người nhà người bệnh:

- Người bệnh và người nhà người bệnh được thông báo, giải thích và tự nguyện dùng lại quả lọc.

Giai đoạn 2: Tiến hành

Bước 1: Tại phòng chạy thận nhân tạo: Quan sát và đánh dấu sau khi kết thúc chạy thận nhân tạo.

- Mặt ngoài quả lọc được lau sạch máu và các chất khác bằng nước Javel 1%.

- Nhận xét sơ bộ tình trạng quả lọc và dây dẫn máu, ghi chính xác vào nhãn hoặc băng dính tên bệnh nhân, ngày lọc, lần lọc với sự chứng kiến của ít nhất 2 người: Nhân viên Y tế, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân rồi chuyển đến phòng rửa quả lọc.

Bước 2: Tại phòng rửa quả lọc. Bắt buộc phải dùng nước lọc qua màng thẩm thấu ngược (RO) vô trùng.

2.1. Rửa xuôi: Rửa trong lòng mạch và trong lòng sợi mao dẫn.

2.2. Rửa ngược: Rửa ngược bằng nước RO. Rửa đường dịch với áp suất 1 atm - nước RO sẽ đi từ đường dịch vào đường máu để làm thông các lỗ lọc rất nhỏ.

2.3. Rửa sạch tất cả dây dẫn máu:

- Thời gian rửa 5 - 10 phút

- Quả lọc thận sau khi rửa đạt các yêu cầu:

- Các sợi mao dẫn đều sạch, trắng.

- Hai đầu quả lọc không dính bất cứ chất gì.

- Dây dẫn máu hoàn toàn sạch.

- Các đầu vào và đầu ra khoang máu, khoang dịch đều có nắp đậy.

- Ghi nhãn đúng và nhãn không bị bong.

- Dung dịch tiệt trùng sử dụng nồng độ tối đa là 4%; không được sử dụng dung dịch đậm đặc; không sử dụng kết hợp sodium hypochlorid và fomaldehyde hoặc sodium hypochlorid và peracetic acid.

Bước 3: Tiệt trùng

- Ngâm quả lọc gồm đầu vào và đầu ra, khoang dịch và khoang máu ngập toàn bộ trong dung dịch tiệt trùng.

- Thời gian ngâm quả lọc trong dung dịch thuốc tiệt trùng từ 24 - 48 giờ.

Bước 4: Rửa sạch chất tiệt trùng trước khi sử dụng bằng nước RO:

- Rửa sạch tất cả các khoang nhỏ; rửa cả đường máu và đường dịch.

- Thời gian rửa: 10 - 15 phút.

- Sau khi rửa sạch, quả lọc được đậy kín cả đường máu và đường dịch; nếu chưa sử dụng lại ngay cần bảo quản trong tủ lạnh 10oC (tủ mát) không quá 4 giờ, không được để trong ngăn đá gây đông các sợi quả lọc.

5. Trước khi đưa ra sử dụng lại:

5.1. Rửa lại quả lọc bằng dung dịch muối NaCl 0,9% từ 1000 - 2000 ml

- Rửa đường dịch trước.

- Rửa đường máu.

5.2. Làm test kiểm tra chất tiệt khuẩn tồn dư.

5.3. Lắp vào vòng tuần hoàn ngoài cơ thể như quy trình lọc máu.

Giai đoạn 3:Theo dõi và xử lý

1. Theo dõi chặt chẽ để phát hiện các biểu hiện bất thường của quá trình lọc máu và các phản ứng phụ của quả lọc sử dụng lại nếu có và xử trí kịp thời:

1.1. Rách màng: Thay quả lọc mới.

1. 2. Phản ứng chất tiệt trùng còn tồn dư:

- Ngừng lọc máu- dồn máu về bệnh nhân

- Rửa lại quả lọc và dây máu hoặc thay quả lọc, dây máu mới nếu dùng lại cả dây máu.

1.3. Tai biến tim mạch, hô hấp và các tai biến khác: Tuỳ theo nguyên nhân để xử trí.

2. Theo dõi và ghi hồ sơ bệnh án:

- Theo quy chế bệnh viện, ghi đầy đủ, đặc biệt các test, các phản ứng sốt và rét run.

- Các loại quả lọc dùng lại phải ghi nhãn cẩn thận và rõ ràng tên bệnh nhân, số lần sử dụng, tên nhân viên thực hiện.

Như vậy, căn cứ vào quy trình trên, chúng ta có thể thấy vấn đề đã phát sinh từ giai đoạn chuẩn bị, có thể là do hệ thống xử lý quả lọc, hoặc có thể là do trong quá trình sử dụng đã tồn dư những hóa chất dẫn đến tình trạng gây sốc cho các bệnh nhân.

+ Về trách nhiệm có thể thuộc về nhiều cá nhân, cụ thể:

- Người chịu trách nhiệm xử lý nước của máy: đối tượng này có thể bị xử lý hình sự về tôi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo Điều 109 Bộ luật hình sự 1999 (BLHS), có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

- Cán bộ vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện có thể bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu qủa nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285 BLHS:

” 1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

- Bác sĩ chỉ định việc thực hiện điều trị được xác định vi phạm quy định về khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính hay xử lý hình sự còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hơn.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quy trình lọc thận và trách nhiệm của các đối tượng vi phạm quy trình. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1338/2004/QĐ-BYT và Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi 2009.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
377 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào