Những hàng hóa vật phẩm nguy hiểm nào được mang lên máy bay?

Những hàng hóa vật phẩm nguy hiểm nào được mang lên máy bay? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Văn Hơn, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hòa Bình. Thời gian gần đây, khi theo dõi tin tức thời sự và đọc báo, tôi thấy nhiều thông tin đề cập đến vấn đề đảm bảo an toàn khi đi máy bay. Tôi được biết, hiện nay, các hàng hóa, đồ dùng có tính chất nguy hiểm hành khách vẫn được phép mang lên máy bay.Tuy nhiên, tôi thắc mắc, việc cho phép này có giới hạn quy định cụ thể đó là những mặt hàng nào hay không? Tôi có thể tìm thêm thông tin tại đâu? Rất mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn rất nhiều! Phan Văn Hơn (hơn***@gmail.com)

Các vật phẩm, hàng hóa nguy hiểm được phép mang lên máy bay được quy định tại Phụ lục II Quyết định 633/QĐ-CHK năm 2016 về Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm mang theo người, hành lý lên tàu bay và Danh mục vật phẩm là hàng nguy hiểm được phép mang theo người, hành lý lên tàu bay. Cụ thể bao gồm:

Các dụng cụ y tế thiết yếu như: Bình khí ôxy hoặc bình khí nhỏ sử dụng trong y tế, bình khí ga theo quy định tại Nhóm 2.2 của Doc 9284 dùng cho chân, tay giả cơ khí, dụng cụ y tế không có chất phóng xạ (gồm cả bình xịt), máy tạo nhịp tim đồng vị phóng xạ hoặc các thiết bị y tế khác và thuốc chứa phóng xạ hạt nhân cấy trong cơ thể, xe lăn chạy bằng pin hoặc các thiết bị hỗ trợ đi lại tương tự khác được hành khách đang bị hạn chế về đi lại do tàn tật, tuổi tác, sức khỏe yếu hoặc có vấn đề tạm thời về đi lại sử dụng (ví dụ: bị gãy chân), các thiết bị y tế điện tử xách tay, pin dự phòng cho các thiết bị y tế điện tử xách tay, nhiệt kế hoặc dụng cụ đo nhiệt độ y tế bằng thủy ngân.

Các đồ vật để trang trí nhà cửa và chăm sóc sắc đẹp bao gồm: các loại mỹ phẩm, đồ trang điểm, vệ sinh, máy uốn tóc.

Các đồ vật để tiêu dùng như : Đồ uống có cồn (các loại rượu, bia,...), bình xịt không độc hại, không dễ cháy dùng trong thể thao hoặc trong gia đình, đạn được đóng gói an toàn, bật lửa và diêm an toàn, bật lửa dạng đèn hàn, đèn khò, các công cụ sinh nhiệt cao (đèn pin,...), ba lô cứu hộ tuyết lở cóbình xi-lanh chứa khí nén thuộc Nhóm 2.2 Doc 9284, hộp nổ nhỏ gắn trong thiết bị an toàn cá nhân tự làm phồng như áo phao hoặc phao cứu hộ, các thiết bị điện tử cầm tay (gồm cả các thiết bị dụng cụ y tế) có gắn pin lithium metal hoặc lithium-ion (máy ảnh, laptop,...), pin dự phòng cho các thiết bị điện tử cầm tay, các loại pin nhiên liệu, đá khô, khí áp kế hoặc nhiệt kế thủy ngân, các loại dụng cụ có chứa chất phóng xạ, các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng, các thiết bị thẩm thấu dùng đo đạc chất lượng không khí, thiết bị điện tử cầm tay có gắn pin khô, pin khô dự phòng, các động cơ đốt trong hoặc động cơ chạy pin nhiên liệu, mẫu vật phẩm không lây nhiễm, bao bì cách nhiệt chứa nitơ lỏng làm lạnh.

Thiết bị an ninh bao gồm: Va-li ngoại giao; kết hoặc túi đựng tiền có gắn thiết bị báo động và các thiết bị an ninh khác có chứa hàng nguy hiểm như pin lithium hoặc thuốc pháo hoa.

Xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm của các hàng hóa, vật phẩm đối với sức khỏe, tính mạng của con người và khả năng ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của tàu bay cũng như an ninh quốc gia mà những hàng hóa, vật phẩm này được liệt kê vào danh sách hàng hóa, vật phẩm nguy hiểm được đưa lên máy bay với những điều kiện và hình thức khác nhau.

Chẳng hạn, các loại thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại, máy chụp hình, hành khách được mang theo người, hành lý xách tay hoặc hành lý ký gửi lên máy bay. Tuy nhiên, đối với pin dự phòng cho các thiết bị này hoặc các loại pin nhiên liệu, hành khách chỉ được mang theo người hoặc hành lý xách tay chứ không được để dưới dạng hành lý ký gửi.

Hoặc đối với từng loại hàng hóa, vật phẩm thì điều kiện để được mang lên máy bay cũng áp dụng không giống nhau. Ví dụ, hành khách muốn mang đồ uống có cồn lên máy bay, chỉ được phép mang các loại đồ uống có nồng độ cồn dưới 70%. Trong đó, dưới 24% nồng độ cồn: không bị hạn chế về số lượng. Từ 24% đến 70 % nồng độ cồn: bình đựng đồ uống của nhà sản xuất không quá 5 lít; một người được phép mang không quá 5 lít. Hoặc đối với bật lửa và diêm an toàn, mỗi người được mang một bao diêm an toàn loại nhỏ hoặc một bật lửa dùng hút thuốc theo người; với điều kiện bật lửa dùng nhiên liệu lỏng thấm được, không bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng.

Trên thực tế, căn cứ vào các quy định này, hầu hết các hãng hàng không đều đưa ra những tiêu chuẩn riêng đối với việc mang hành lý, hàng hóa có chứa các vật phẩm nguy hiểm lên máy bay của hãng. Do vậy, quy trình làm thủ tục kiểm tra, soi chiếu, giám sát tại các cảng hàng không, sân bay được tiến hành hết sức nghiêm ngặt, kỹ lưỡng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi can thiệp trái phép vào hoạt động của tàu bay trong quá trình khai thác.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các loại hàng hóa, vật phẩm nguy hiểm được mang lên máy bay. Bạn lưu ý để áp dụng đúng trong quá trình sử dụng dịch vụ vận chuyển của các hãng hàng không. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 633/QĐ-CHK năm 2016. 

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
195 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào