Giấy phép nhân viên hàng không gồm những nội dung nào?
Giấy phép nhân viên hàng không được quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư 61/2011/TT-BGTVT Quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không, hướng dẫn bởi Khoản 5 Mục I Phần B Hướng dẫn 899/HD-CHK năm 2013. Cụ thể bao gồm:
a) Quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Cơ quan cấp giấy phép;
c) Tên giấy phép;
d) Số giấy phép;
đ) Ngày cấp, thời hạn của giấy phép;
e) Họ tên, ngày sinh, địa chỉ, quốc tịch của người được cấp giấy phép;
g) Quyền và nghĩa vụ của người được cấp giấy phép;
h) Năng định;
i) Chữ ký của người được cấp giấy phép và dấu của cơ quan cấp giấy phép;
k) Các yêu cầu khác theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng không.
Liên quan đến các nội dung của giấy phép nhân viên hàng không, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin như sau:
Giấy phép nhân viên hàng không do Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam quyết định cấp. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình khai thác và cung cấp dịch vụ hàng không của nhân viên hàng không. Để Cục Hàng không Việt Nam có cơ sở xem xét, cấp giấy phép và năng định cho nhân viên hàng không thì nhân viên đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 5 và tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư 61/2011/TT-BGTVT. Trong đó, một số nhân viên phải tuân thủ thời gian huấn luyện tại vị trí làm việc theo các quy định tại các văn bản Quy phạm pháp luật khác về chuyên ngành hàng không có liên quan như: Nhân viên không lưu là 12 tháng; nhân viên thông báo tin tức hàng không và nhân viên khí tượng hàng không là 9 tháng; nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát và nhân viên điều độ, khai thác bay là 03 tháng.
Đối với Thành viên tổ lái, sau khi có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo phi công tại cơ sở đào tạo, được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép lái tàu bay, để được kiểm tra và cấp năng định lái tàu bay, thành viên đó phải hoàn thành chương trình huấn luyện chuyển loại theo chủng loại tàu bay và hạng tàu bay; hoặc đối với Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp chứng chỉ chuyên môn, nhân viên này phải hoàn thành khóa huấn luyện chuyển loại theo kiểu, tàu bay và thực hành trên loại tàu bay thời gian 2 tháng và có thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế tại cơ sở bảo dưỡng tàu bay 12 tháng.
Ngoài ra, một số vị trí đặc biệt khác như thành viên tổ lái, kiểm soát viên không lưu phải có chứng nhận của Cục Hàng không Việt Nam về trình độ tiếng Anh mức 4 theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và chứng nhận sức khỏe (bao gồm cả tiếp viên hàng không và nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát thực hiện nhiệm vụ bay hiệu chuẩn) theo quy định của pháp luật. Nhân viên thông báo tin tức hàng không phải có chứng nhận trình độ tiếng Anh mức 3 theo quy định tại Quy chế thông báo tin tức hàng không.
Về điều kiện, để được cấp giấy phép, nhân viên hàng không phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 của Thông tư 61/2011/TT-BGTVT;
- Tham dự và đạt kết quả của kỳ kiểm tra năng định chuyên môn phù hợp của Cục Hàng không Việt Nam;
- Đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về hàng không.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về giấy phép nhân viên hàng không. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 61/2011/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?