Vận hành nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực

Vận hành nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Văn Minh hiện đang sống và làm việc tại Kiên Giang. Tôi đang tìm hiểu về nhà máy điện vận hành không người trực. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi vận hành nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định tại văn bản nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

Vận hành nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực được quy định tại Điều 61 Thông tư 40/2014/TT-BCT Quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, theo đó:

1. Vận hành nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực được thực hiện từ trung tâm điều khiển. Trong trường hợp cần thiết, Đơn vị quản lý vận hành có thể bố trí thêm nhân viên trực vận hành trực tiếp tại nhà máy điện hoặc trạm điện để kiểm tra, giám sát việc điều khiển từ trung tâm điều khiển.

2. Trong mỗi ca trực vận hành tại trung tâm điều khiển, Đơn vị quản lý vận hành phải bố trí ít nhất 02 (hai) nhân viên vận hành trực ca, trong đó có 01 (một) người đảm nhiệm chức danh Trưởng ca hoặc Trưởng kíp. Đơn vị quản lý vận hành quy định chi tiết phân công nhiệm vụ cho nhân viên vận hành trực ca tại trung tâm điều khiển.

3. Đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm cử nhân viên tới nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực để kiểm tra tại chỗ thiết bị, đặc biệt vào các thời điểm truyền tải hoặc phát công suất cao.

4. Trường hợp xảy ra sự cố tại nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực, Đơn vị quản lý vận hành phải thông báo ngay cho cấp điều độ có quyền điều khiển biết và cử nhân viên vận hành, sửa chữa tới nhà máy điện hoặc trạm điện để khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất.

Ngoài ra liên quan tới vấn đề này Ban biên tập Thư Ký Luật sẽ gửi đến bạn những thông tin sau:

Ngày 31/5, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đóng điện thành công công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV Hương Khê. Đây là trạm biến áp hiện đại nhất tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, được xây dựng với phương thức không người trực. Dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Hương Khê do Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 190 tỷ đồng. Quy mô công trình gồm: Trạm biến áp 110 kV Hương Khê với 1 máy biến áp 25 MVA và 5 ngăn lộ xuất tuyến 35 kV, 4 ngăn lộ xuất tuyến 10 kV cùng tuyến đường dây 110 kV có chiều dài gần 37,7km với điểm đấu nối tại đầu ra ngăn lộ 171T500 Hà Tĩnh.

Công trình đưa vào vận hành sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho 22 xã thuộc huyện Hương Khê và 12 xã thuộc huyện Vũ Quang; hỗ trợ cấp điện cho thành phố Hà Tĩnh khi cần thiết.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về vận hành nhà máy điện hoặc trạm điện không người trực. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 40/2014/TT-BCT.

Trân trọng!

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
287 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào