Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra được quy định thế nào?

Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là cán bộ hưu trí, hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng. Trong thời gian ở nhà, tôi thường xuyên xem các chương trình thời sự, đài báo để tìm hiểu tin tức. Gần đây, tôi đang quan tâm đến một số vấn đề thuộc lĩnh vực hàng không dân dụng. Trong đó, khi đọc tài liệu, một vài điểm tôi chưa nắm rõ. Tôi thắc mắc không biết trường hợp tàu bay đang bay mà gây ra thiệt hại cho một địa bàn nào đó trên đường bay qua thì người chịu thiệt hại thực hiện việc đòi quyền lợi bị xâm phạm của họ như thế nào? Có văn bản nào quy định vấn đề này hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các bạn rất nhiều! Vũ Hồng Anh (0127****)

Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra được quy định tại Điều 175 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Theo đó:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ở mặt đất bị thiệt hại do tàu bay đang bay, người, vật, chất trong tàu bay đang bay gây ra (sau đây gọi là người thứ ba ở mặt đất) có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu chứng minh được rằng tàu bay đang bay, người, vật, chất từ tàu bay đang bay rơi xuống trực tiếp gây ra thiệt hại đó.

2. Trong Mục này, tàu bay được coi là đang bay kể từ thời điểm tàu bay nổ máy để cất cánh cho đến thời điểm tắt máy sau khi hạ cánh; đối với khí cầu hoặc thiết bị bay tương tự thì kể từ thời điểm rời khỏi mặt đất cho đến thời điểm chạm đất.

Về nguyên tắc, thiệt hại gây ra phải được bồi thường. Chủ thể nào có quyền và lợi ích bị xâm phạm bởi chủ thể khác thì được quyền thực hiện các thủ tục, hành động yêu cầu pháp luật, cơ quan có thẩm quyền đứng ra bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tàu bay, người, vật trên tàu bay gây ra cho người thứ ba trên mặt đất nơi tàu bay bay qua thể hiện sự tính toán thấu đáo của nhà làm luật về các khả năng có thể gây ra thiệt hại trong quá trình hoạt động của tàu bay.

Theo đó, người khai thác tàu bay phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho người thứ ba ở mặt đất. Người sử dụng tàu bay bất hợp pháp gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất thì phải bồi thường. Người chiếm hữu tàu bay phải chịu trách nhiệm liên đới với người sử dụng bất hợp pháp tàu bay về thiệt hại đã gây ra nếu không chứng minh được rằng mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp trên tương đối hiếm và nếu xảy ra thì khả năng áp dụng để đòi quyền lợi cũng không dễ. Giả sử trường hợp tàu bay bay qua một địa bàn nào đó, trên đường bay qua, hệ thống xả nhiên liệu của tàu bay tình cờ gặp sự cố làm thiệt hại đối với hoa màu của người dân địa phương thì bằng cách nào họ xác định được đó là chuyến bay nào, của hãng nào và các bước để đòi quyền lợi được tiến hành ra sao? Do vậy, để áp dụng được quy định này trong trường hợp có thiệt hại xảy ra vẫn là một dấu hỏi lớn cho người bị thiệt hại và cơ quan chức năng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
336 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào