Việc vận chuyển vũ khí dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ bằng đường hàng không được quy định thế nào?

Việc vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ bằng đường hàng không được quy định ra sao? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Đông phương học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi tốt nghiệp, em dự định học tiếp chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết chuyên ngành học của em với một trường đại học tại Nga. Vì vậy, thời gian này em đang tìm hiểu các quy định về hàng không dân dụng để sử dụng trong những chuyến bay sắp tới. Trong quá trình tìm hiểu trên các webiste của một số hãng hàng không, em được biết, một số loại hàng hóa như bom, mìn, chất hóa học,...không được phép mang lên máy bay. Tuy nhiên, em thắc mắc đối với các dạng hành lý như vũ khí, dụng cụ phục vụ chiến đấu hay các vật liệu phóng xạ thì việc vận chuyển bằng đường hàng không được yêu cầu như thế nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Em xin chân thành cảm ơn! Trương Mỹ Dung (dung***@gmail.com)

Việc vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ bằng đường hàng không được quy định tại Điều 159 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014. Theo đó:

1. Không được vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định trường hợp đặc biệt cho phép vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí, dụng cụ chiến tranh vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định trường hợp đặc biệt cho phép vận chuyển bằng đường hàng không vật liệu phóng xạ vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam.

4. Ngoài quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, việc vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ bằng đường hàng không phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Xuất phát từ tính chất, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành hàng không cũng như tính đặc thù của phương tiện hoạt động là tàu bay đối với nền kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, đồng thời căn cứ vào mức độ, nguy cơ gây nguy hiểm cao của các loại vũ khí, dụng cụ phục vụ chiến tranh và các vật liệu phóng xạ thì việc quy định kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt vấn đề vận chuyển bằng đường hàng không là hoàn toàn hợp lý. 

Tuy nhiên, trên thực tế, trong những trường hợp đặc biệt, pháp luật vẫn tạo điều kiện cho một số chủ thể nhất định được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ lên khoang hành khách của tàu bay theo sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Đó là trường hợp cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ theo quy định của pháp luật về cảnh vệ; Nhân viên an ninh trên không thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam theo Quy chế do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành; Nhân viên an ninh trên không mang theo vũ khí trên các chuyến bay của hãng hàng không nước ngoài theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Cục Hàng không Việt Nam và nhà chức trách hàng không của quốc gia liên quan; Nhân viên bảo vệ pháp luật trên các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài sau khi được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an; Cán bộ áp giải được phép mang theo công cụ hỗ trợ thích hợp lên tàu bay khi thực hiện nhiệm vụ áp giải bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã, người bị từ chối nhập cảnh.

Về thủ tục, khi những chủ thể trên đây tiến hành mang vũ khí, công cụ hỗ trợ lên máy bay, người chỉ huy tàu bay phải được thông báo về tên, chỗ ngồi, loại vũ khí, công cụ hỗ trợ của người được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ trên chuyến bay; những người mang vũ khí, công cụ hỗ trợ trên cùng chuyến bay phải được thông báo vị trí ngồi của nhau. Người mang vũ khí, công cụ hỗ trợ lên tàu bay không được sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích trong suốt chuyến bay; có trách nhiệm duy trì vũ khí, công cụ hỗ trợ trong trạng thái an toàn đồng thời phải phải xuất trình giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Khi làm thủ tục chấp nhận vận chuyển, người khai thác tàu bay phải bảo đảm vũ khí, công cụ hỗ trợ trong trạng thái an toàn, cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ ở vị trí hành khách không thể tiếp cận được trong suốt chuyến bay tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

Như vậy, về nguyên tắc, tất cả các loại vũ khí, dụng cụ chiến tranh hay vật liệu phóng xạ không được phép vận chuyển vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định trên đây, các chủ thể được phép thực hiện việc mang vũ khí, công cụ hỗ trợ lên máy bay và phải chấp hành tuyệt đối các quy định về an toàn bay, an ninh hàng không theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ bằng đường hàng không. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
384 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào