Quyền và nghĩa vụ của văn phòng bán vé hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam

Quyền và nghĩa vụ của văn phòng bán vé hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Gần đây, khi tìm hiểu các quy định về hàng không dân dụng, em được biết, hiện nay, ngành hàng không Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã và đang phát triển rộng mở ở phạm vi xuyên biên giới. Các nước tạo điều kiện cho một số hãng hàng không quốc gia khác thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không ở nước mình. Pháp luật nước ta hiện nay cũng cho phép các hãng hàng không nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện được thành lập văn phòng bán vé máy bay tại Việt Nam. Anh chị cho em hỏi khi hoạt động tại Việt Nam, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài có những quyền và nghĩa vụ gì? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều!  La Quang Tường (0906****)

Quyền và nghĩa vụ của văn phòng bán vé hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 124 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT. Theo đó: 

1. Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé.

2. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng.

3. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại văn phòng theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động.

4. Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng hoạt động tại Việt Nam và chỉ sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng.

5. Có con dấu mang tên văn phòng theo quy định của pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp.

6. Văn phòng đại diện không được hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam, không được giao kết hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này; không được sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của hãng, trừ trường hợp hợp đồng do văn phòng đại diện giao kết hoặc trưởng văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của hãng.

7. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính, chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam.

8. Báo cáo về hoạt động của văn phòng định kỳ hoặc theo yêu cầu với Bộ Giao thông vận tải.

Theo quy định pháp luật hiện hành, hãng hàng không nước ngoài muốn mở văn phòng bán vé tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động theo pháp luật của quốc gia nơi đặt trụ sở chính của hãng đồng thời quyền kiểm soát pháp lý thuộc về quốc gia nơi đặt trụ sở chính của hãng. Pháp luật trao thẩm quyền cấp Giấy phép mở văn phòng bán vé cho hãng hàng không nước ngoài có nhu cầu thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại Việt Nam. Theo đó, khi gửi hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng bán vé đến Bộ Giao thông vận tải, hãng hàng không nước ngoài phải chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu bao gồm: 

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép mở văn phòng bán vé;

b) Tài liệu xác nhận tư cách pháp nhân và Điều lệ hoạt động của hãng;

c) Văn bản xác nhận điều kiện được mở văn phòng bán vé của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi hãng hàng không đặt trụ sở chính, trừ trường hợp hãng hàng không được cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ đến Việt Nam;

d) Giấy tờ xác nhận quyền sử dụng diện tích nhà nơi đặt văn phòng bán vé;

đ) Mẫu vé dự định bán hoặc xuất tại Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài có khả năng bị thu hồi Giấy phép thành lập nếu thuộc một các trường hợp sau:

a) Không còn đáp ứng các điều kiện để được mở văn phòng bán vé;

b) Không bắt đầu hoạt động bán vé trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép;

c) Ngừng hoạt động bán vé mười hai tháng liên tục;

d) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;

đ) Có hành vi lừa đảo khách hàng;

e) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc khai thác hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính;

g) Trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm quyền mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé tương tự của các hãng hàng không Việt Nam tại quốc gia của hãng hàng không nước ngoài.

Như vậy, khi được phép thành lập và hoạt động tài Việt Nam, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài cũng được pháp luật nước ta bảo vệ bởi hành lang pháp lý an toàn như các tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không nói chung và dịch vụ bán vé máy bay nói riêng. Đồng thời các văn phòng này phải thực hiện các nghĩa vụ tương xứng với quyền lợi được hưởng theo đúng quy định pháp luật hiện hành trong phạm vi hoạt động. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền và nghĩa vụ của văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

476 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào