Chơi Flycam có phải xin cấp phép?
Flycam là thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để chụp ảnh và quay phim từ trên không. Hiện nay, phong trào chơi Flycam ngày càng phổ biến tại Việt Nam tuy nhiên điều kiện chơi và chơi sao cho đúng quy định pháp luật thì rất ít người biết đến. Việc sử dụng Flycam được quy định tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP về việc quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Cụ thể, căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định 36/2008/NĐ-CP thì phương tiện bay siêu nhẹ, bao gồm các loại khí cầu và mô hình bay. Theo đó:
a) Khí cầu là khí cụ bay mà lực nâng được tạo bởi những chất khí chứa trong vỏ bọc của nó, chất khí này có khối lượng riêng nhỏ hơn không khí. Có hai loại khí cầu:
- Khí cầu bay có người điều khiển;
- Khí cầu bay không người điều khiển, bao gồm cả khí cầu bay tự do hoặc được điều khiển tự động hoặc được giữ buộc cố định tại một vị trí trên mặt đất.
b) Mô hình bay, bao gồm:
- Các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ sử dụng nguồn năng lượng bằng pin hoặc nhiên liệu lỏng, rắn hoặc năng lượng mặt trời, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn;
- Các loại dù bay và diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian.
Đối chiếu quy định trên, Flycam là thiết bị thuộc dạng mô hình bay, thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Theo quy định pháp luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải thực hiện thủ tục xin phép bay và chỉ được tổ chức bay khi đã được cấp phép.
Về thủ tục xin cấp phép, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 79/2011/NĐ-CP, để được cấp phép bay, bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ xin cấp phép gửi đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Hồ sơ bao gồm các văn bản sau:
- Đơn đề nghị cấp phép bay bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 36/2008/NĐ-CP);
- Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước;
- Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.
Về thời gian nộp hồ sơ: Chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, bạn phải nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay. Nội dung phép bay của bạn sẽ bao gồm:
1. Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân được cấp phép bay.
2. Đặc điểm nhận dạng kiểu loại tàu bay, phương tiện bay (bao gồm cả phụ lục có ảnh chụp, thuyết minh tính năng kỹ thuật của tàu bay hoặc phương tiện bay).
3. Khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay.
4. Mục đích, thời hạn, thời gian được tổ chức bay.
5. Quy định về thông báo hiệp đồng bay; chỉ định cơ quan quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.
6. Các giới hạn, quy định an ninh, quốc phòng khác.
Như vậy, trường hợp của bạn và của tất cả các tổ chức, cá nhân khác khi sử dụng thiết bị Flycam dù với mục đích thương mại hay sử dụng giải trí cá nhân, đều phải tiến hành thủ tục xin cấp phép bay theo quy định trên đây về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật đối với thắc mắc của bạn về việc xin cấp phép khi sử dụng Flycam. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bài dự thi Gửi tương lai xanh 2050 dành cho học sinh THCS?
- Trường hợp nào cho cá nhân thuê đất cần văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh?
- Mức lương viên chức loại C hiện nay là bao nhiêu?
- Mẫu thông báo tiệc tất niên công ty kèm file tải về mới nhất năm 2025?
- Tỉnh Vĩnh Long cách TP Hồ Chí Minh bao nhiêu km?