Sự cố tàu bay là gì?
Sự cố tàu bay được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 104 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Cụ thể như sau:
Sự cố tàu bay là vụ việc liên quan đến việc khai thác tàu bay làm ảnh hưởng hoặc có khả năng làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay nhưng chưa phải là tai nạn tàu bay.
Do cơ chế hoạt động và quá trình khai thác tàu bay chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố đặc biệt là sự biến đổi khôn lường của các điều kiện tự nhiên như khí hậu, địa hình nên trên thực tế, các trường hợp sự cố tàu bay diễn ra khá nhiều. Đơn cử trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam đã xảy ra những sự cố tàu bay gây ảnh hưởng đến quá trình khai thác, sử dụng như:
- Đường băng có người và động vật: Theo đó, ngày 24.7.2013, một con bò tót xâm nhập sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) dẫn đến việc Vietnam Airlines bị chậm 12 chuyến bay, ảnh hưởng tới lịch trình của 1.800 hành khách. Theo đại diện Vietnam Airlines, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) có nhiều người dân nuôi chim yến, khi có đàn yến bay qua thì rất nguy hiểm với hoạt động bay.
- Xì khói động cơ sau khi hạ cánh: Sự việc xảy ra vào chiều 3.6.2013, một máy bay của Vietnam Airlines vừa bay từ thành phố Melbourne (Úc) về Tân Sơn Nhất đã xì khói ở động cơ khi đang lăn vào bãi đỗ. Vietnam Airlines cho biết đây là chuyến bay mang số hiệu VN780, xuất phát tại Melbourne lúc 10h35 và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 15h55 (giờ Việt Nam).
Năm 2014, hàng không Việt Nam đã xảy ra nhiều sự cố được xếp vào nhóm C (uy hiếp an toàn cao) và nhóm B (nghiêm trọng).
Đơn cử một số sự cố nghiêm trọng như:
- Mất liên lạc với không lưu: Theo đó, ngày 14/5, máy bay Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN1601 từ TP HCM đi Buôn Ma Thuột. Chuẩn bị hạ cánh, tổ bay liên lạc với kiểm soát viên không lưu yêu cầu cung cấp thông tin thời tiết nhưng không thấy phản hồi. Máy bay đã phải bay vòng để chờ. 10 phút sau, tổ bay mới liên lạc được với kiểm soát viên không lưu sân bay để hạ cánh.
- Hạ cánh nhầm sân bay: Theo đó, sự cố vận chuyển khách đến nhầm sân bay được coi là hy hữu, lần đầu tiên xảy ra với hàng không Việt Nam. Thay vì đến Đà Lạt, hãng Vietjet Air đã vận chuyển toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá đến sân bay Cam Ranh, gây lo lắng cho hàng trăm hành khách. Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều phối của Vietjet Air và cơ sở thủ tục thuộc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã không thực hiện đúng quy trình khai thác bay.
- Sân bay tê liệt vì mất điện: Vụ việc Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC HCM) bị mất điện được coi là lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Nguyên nhân được cho là do kíp trưởng thao tác sai quy định khiến sập nguồn điện gây mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay. Sự cố này khiến AACC Hồ Chí Minh mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay làm ảnh hưởng đến 92 chuyến bay trong khoảng 30 phút.
Như vậy, so với tai nạn tàu bay thì sự cố tàu bay xảy ra ở cấp độ ít nghiêm trọng hơn và còn trong khả năng có thể khắc phục được. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, những sự cố này vẫn gây ảnh hưởng thậm chí gây thiệt hại không nhỏ đối với quá trình khai thác tàu bay của các hãng hàng không và lịch trình của khách hàng mà một số sự cố nếu không được khắc phục, xử lý kịp thời thì nguy cơ dẫn đến tai nạn tàu bay là rất cao.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khái niệm sự cố tàu bay. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?