Việc phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với tai nạn tàu bay được thực hiện ra sao?

Việc phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với tai nạn tàu bay được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là cán bộ hưu trí, hiện đang sinh sống tại Nha Trang, Khánh Hòa. Gần đây, khi đọc báo và theo dõi thông tin thời sự, tôi thấy có nhiều tin tức, bài viết đề cập đến các tai nạn, sự cố đối với máy bay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi được biết, để khắc phục hậu quả của tai nạn tàu bay đòi hỏi sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan, cá nhân, đơn vị khác nhau. Tôi thắc mắc, pháp luật Việt Nam quy định ra sao về công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với tai nạn tàu bay? Tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Mong nhận được phản hồi từ các bạn. Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe tới Quý Ban biên tập! Nguyễn Xuân Nhị (nhi***@gmail.com)

Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với tai nạn tàu bay được quy định tại Điều 102 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Cụ thể như sau:

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn áp dụng mọi biện pháp cần thiết và kịp thời để trợ giúp tàu bay, hành khách, tổ bay và tài sản khi tàu bay lâm nguy, lâm nạn.

2. Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận của cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không phải phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn và Ủy ban nhân dân các cấp tiến hành tìm kiếm, cứu nạn tàu bay, người và tài sản.

3. Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn ngoài các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức khác tiến hành tìm kiếm, cứu nạn tàu bay, người và tài sản.

4. Việc tìm kiếm, cứu nạn tàu bay mang quốc tịch Việt Nam bị lâm nguy, lâm nạn ở lãnh thổ nước ngoài được tiến hành theo quy định của pháp luật quốc gia nơi tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn.

5. Việc phối hợp trợ giúp, tham gia tìm kiếm, cứu nạn giữa Việt Nam với các quốc gia lân cận được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng; bảo quản tàu bay và tài sản trong tàu bay khi tàu bay lâm nạn ở địa phương ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay.

7. Các doanh nghiệp vận chuyển hàng không có trách nhiệm tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.

Liên quan đến vấn đề này, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin về quá trình phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn chiến đấu cơ Su-30 và tuần thám CASA-212 trong vụ tại nạn kép xảy ra vào năm 2016.

Theo đó, sáng 14/6/2016, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ít phút sau, lúc 7h29, tín hiệu từ chiếc tiêm kích biến mất trên vùng biển Nghệ An, gần khu vực đảo Mắt. Tiếp đó, trưa 16/6, máy bay CASA mang số hiệu 8983 trong quá trình tìm kiếm tiêm kích Su-30MK2 gặp nạn đột ngột mất liên lạc.

Để tiến hành việc tìm kiếm, cứu nạn đối với 2 máy bay bị tai nạn mất tích, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Bộ Quốc phòng để tìm kiếm người và máy bay gặp nạn.

Văn phòng Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và Cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An...đã chủ động phối hợp với Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quân tập trung triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo công an các địa phương ven biển, tăng cường trực ban, trực chiến, tiếp nhận thông tin về người và phương tiện gặp nạn; đồng thời tổ chức các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Công an các địa phương chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền thông báo và phát động quần chúng nhân dân, đặc biệt là các tàu, thuyền và ngư dân đang hoạt động trên vùng biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An,... tăng cường quan sát, phát hiện và TKCN. Công an Hải Phòng đã tham mưu UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai vàtìm kiếm cứu nạn tiến hành họp với các lực lượng vũ trang, các sở, ban, ngành Thành phố quán triệt chỉ đạo tổ chức lực lượng đẩy mạnh công tác tìm kiếm cứu nạn.

Như vậy, ta có thể thấy công tác tìm kiếm, cứu nạn đối với tai nạn tàu bay đòi hỏi sự phối hợp thực hiện của rất nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với tai nạn tàu bay. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

Trân trọng!

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
232 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào