Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm chuyển nhượng cổ phần từ 10% vốn điều lệ trở lên chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản
Việc xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm chuyển nhượng cổ phần để cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ trở lên nhưng chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản được quy định tại Khoản 2, 3 và Khoản 4 Điều 11 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp đối với cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ trở lên hoặc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp để cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ trở lên mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính mà có đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp và căn cứ theo quy định của pháp luật thì công ty bạn đã chuyển nhượng cổ phần để cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ trở lên nhưng chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản, trong trường hợp công ty bạn đã vi phạm quy định về thay đổi nội dung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Công ty bạn sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Mặt khác, phần nội dung liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng.
Ngoài ra, công ty bạn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (tức là lúc chưa chuyển nhượng cổ phần) và phải nộp lại khoản tiền hoặc lợi nhuận bất hợp pháp mà công ty bạn có được kể từ khi chuyển nhượng cổ phần không đúng theo quy định của pháp luật cho đến thời điểm bị phát hiện ra vi phạm. Bạn nên yêu cầu công ty bạn tham khảo những quy định của pháp luật nêu trên để có thể thực hiện đúng quy định của pháp luật và tránh tình trạng vi phạm những trường hợp tương tự.
Vì công ty bạn vẫn chưa lập hồ sơ đề nghị chuyển nhượng cổ phần từ 10% vốn điều lệ trở lên để gửi đến Bộ Tài chính theo thời hạn quy định của pháp luật là 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp theo phương án đã được chấp thuận (Khoản 4 Điều 22 Nghị định 73/2016/NĐ-CP) nên Ban biên tập cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến hồ sơ để bạn tham khảo như sau:
Hồ sơ đề nghị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp từ 10% vốn điều lệ trở lên bao gồm:
- Văn bản đề nghị được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;
- Văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp;
- Báo cáo về phương án phân chia, xử lý hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ với Nhà nước, cam kết với người lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua, bán, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
- Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) góp vốn, vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hình thành sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp;
- Bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc về hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng (trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng);
- Ý kiến của cơ quan thẩm định giá, trong đó nêu rõ việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cổ phần hoặc định giá phần vốn góp (đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập); xác định giá trị tài sản phân chia cho các bên (đối với trường hợp chia, tách);
- Bản sao công chứng báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm đề nghị hợp nhất, sáp nhập của tổ chức sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
- Các tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân góp vốn, người quản trị điều hành và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập sau khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều này;
- Doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng không phải nộp các tài liệu quy định tại điểm d, điểm đ và điểm h Điều này.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm chuyển nhượng cổ phần để cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ trở lên nhưng chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra hình sự Công an cấp huyện như thế nào?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?
- Tải Mẫu 41/UQ-ĐKT Mẫu Giấy uỷ quyền đăng ký thuế từ ngày 06/2/2025?
- Cách gói bánh tét dịp tết Nguyên đán? Người lao động chính thức nghỉ tết Nguyên đán 2025 vào mùng mấy?