Những trường hợp nào tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay?

Các trường hợp tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tình cờ xem tin tức, tôi thấy một vài thông tin đề cập đến việc tạm thời đóng cửa một sân bay nào đó.Tôi thắc mắc, không biết trên thực tế, những trường hợp nào sẽ tiến hành đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay? Và ai là người có thẩm quyền ra quyết định đóng? Có văn bản nào quy định vấn đề này hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Chu Văn Thế (the***@yahoo.com)

Các trường hợp tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay được quy định tại Khoản 3 Điều 49 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay trong các trường hợp sau đây:

a) Cải tạo, mở rộng, sửa chữa cảng hàng không, sân bay có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động bay;

b) Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay bị thu hồi;

c) Thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tai nạn tàu bay và các tình huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn hàng không, an ninh hàng không.

Ngoài ra, vì sự cố đột xuất, để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, Giám đốc Cảng vụ hàng không quyết định tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay không quá hai mươi bốn giờ và báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Quy định này xuất phát từ vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hoạt động khai thác, sử dụng tàu bay. Trên thực tế, căn cứ vào tính chất cần thiết và vai trò quan trọng của hoạt động hàng không nên số trường hợp tạm thời đóng cửa cảng cảng không là không nhiều. Một vài trường hợp nổi bật được biết đến như:

Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã ký Quyết định số 710/QĐ-BGTVT tạm thời đóng cửa Cảng hàng không quốc tế Phú Bài để sửa chữa đường cất hạ cánh. Năm 2014, Cảng hàng không Cà Mau tạm thời đóng cửa từ ngày 1/12/1014 đến ngày 1/2/2015 để phục vụ cho việc thi công di tu, sửa chữa đường hạ cất cánh. Tháng 6/2016, cảng hàng không Buôn Ma Thuột cũng tạm thời đóng cửa 1 ngày, tạm dừng việc cất, hạ cánh để tiến hành khảo sát, đánh giá và khắc phục sửa chữa do phát hiện một vạch bong tróc trên đường băng. 

Việc tạm thời đóng cửa các cảng hàng không nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho hoạt động bay cũng chính là để bảo vệ cho tính mạng, sức khỏe của nhân viên và hành khách. Việc này sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến lịch trình đi lại, kế hoạch của hành khách, cho nên, khi nhận được quyết định đóng cửa tạm thời, ban lãnh đạo các cảng hàng không cần phải kịp thời có kế hoạch thông báo rộng rãi đến toàn bộ khách hàng để đảm bảo không để lại hậu quả xấu trên thực tế.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì trong những trường hợp trên đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ ra quyết định tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
199 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào