Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động gì?
Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp là: quá trình làm nổ vật liệu nổ công nghiệp theo quy trình công nghệ đã được xác định.
Theo như bạn trình bày thì công ty bạn muốn sử dụng cách nổ mìn để khai thác đá. Để tiến hành hoạt động này, đầu tiên công ty bạn cần phải đáp ứng các điều kiện để sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo Điều 21 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp và sửa đổi tại Điều 14 Nghị định 77/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Là tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật, có đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động những ngành nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
2. Có hoạt động khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, công trình nghiên cứu, thử nghiệm cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Địa điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định liên quan. Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có:
a) Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản; Giấy phép thăm dò, khai thác dầu khí đối với các doanh nghiệp hoạt động dầu khí; Quyết định trúng thầu thi công công trình hoặc Hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp;
b) Thiết kế thi công các hạng mục công trình xây dựng, thiết kế khai thác mỏ có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các công trình quy mô công nghiệp; phương án thi công, khai thác đối với các hoạt động xây dựng, khai thác thủ công, rà phá bom mìn, vật nổ. Thiết kế hoặc phương án do chủ đầu tư phê duyệt phải thỏa mãn các yêu cầu an toàn theo QCVN 04:2009/BCT hoặc QCVN 05:2012/BLĐTBXH hoặc QCVN 01:2011/BCT hoặc QCVN 18:2014/BXD và các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng liên quan;
c) Phương án nổ mìn theo nội dung hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
3. Có kho chứa, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thỏa mãn các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định tại Mục 6 Nghị định này; trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với các tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp hoặc bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc với tổ chức được phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp để cung ứng vật liệu nổ công nghiệp đến công trình theo hộ chiếu nổ mìn.
4. Lãnh đạo quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, người phục vụ liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có: Quyết định bổ nhiệm người Chỉ huy nổ mìn của lãnh đạo doanh nghiệp và Danh sách thợ mìn, người liên quan trực tiếp đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc có liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (nếu có).
Người Chỉ huy nổ mìn phải được lãnh đạo tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ký quyết định bổ nhiệm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên một trong các ngành khai thác mỏ, địa chất; xây dựng công trình giao thông, thủy lợi; vũ khí đạn, công nghệ hóa thuốc phóng, thuốc nổ và có thời gian làm việc trong lĩnh vực sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ít nhất 01 năm đối với trình độ đại học, cao đẳng, và 02 năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật; trường hợp tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các ngành kỹ thuật khác, người chỉ huy nổ mìn phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ít nhất 02 năm đối với trình độ đại học, cao đẳng; 03 năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật, phải học tập bổ sung kiến thức về kỹ thuật nổ mìn và quy phạm, quy chuẩn an toàn trong khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc thi công công trình xây dựng tương ứng với lĩnh vực có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Thợ mìn hoặc người lao động làm công việc có liên quan trực tiếp đến vật liệu nổ công nghiệp phải được đào tạo và có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí, chức trách đảm nhiệm thỏa mãn các yêu cầu tại Phụ lục C, QCVN 02:2008/BCT.
Đồng thời, Điều 22 Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp quy định:
Ngoài các quyền và nghĩa vụ khác do luật pháp quy định, tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Chỉ được mua vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam từ các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp. Vật liệu nổ công nghiệp thừa, sử dụng không hết phải bán lại cho tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp.
2. Thực hiện việc bổ nhiệm chỉ huy nổ mìn và thực hiện đầy đủ các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi tiến hành nổ mìn.
3. Lập thiết kế, phương án nổ mìn phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội nơi nổ mìn; quy định cụ thể trong thiết kế, phương án nổ mìn các biện pháp an toàn, bảo vệ canh gác chống xâm nhập trái phép khu vực nổ mìn; thủ tục cảnh báo, khởi nổ; thủ tục bảo quản và thủ tục giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn và các nội dung khác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
4. Thiết kế hoặc phương án nổ mìn phải được cơ quan cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phê duyệt và được sự cho phép của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý khi nổ mìn trong các khu vực dân cư, cơ sở khám chữa bệnh, khu vực có các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tồn thiên nhiên, các công trình an ninh, quốc phòng hoặc các công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định pháp luật. Thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn.
Trên đây là phần hỗ trợ của Ban biên tập Thư Ký Luật về hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Bạn nên đọc thêm Nghị định 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp để nắm thêm các nguyên tắc và nội dung yêu cầu khi tiến hành hoạt động nổ mìn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Địa điểm bán pháo hoa Bộ Quốc phòng (pháo hoa Z121) tại TP Đà Nẵng?
- Bộ Đề thi GDCD lớp 7 cuối học kì 1 có đáp án năm 2024-2025?
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 tỉnh Long An?
- Link Bình chọn WeChoice Awards 2024 https wechoice vn? Hạn WeChoice Awards 2024 Vote đến ngày mấy?
- Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là gì?