Quy định về nắn chỉnh hình học ảnh viễn thám

Quy định về nắn chỉnh hình học ảnh viễn thám? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Nguyễn Dũng, tôi đang công tác tại công ty TNHH Git4You. Công việc của tôi liên quan đến ảnh viễn thám và ứng dụng ảnh viễn thám trong một số lĩnh vực. Vì tính chất công việc, tôi cần tìm quy định của pháp luật về nắn chỉnh hình học ảnh viễn thám? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (dung.ng***@yahoo.com)    

Nắn chỉnh hình học ảnh viễn thám được quy định tại Điều 22 Thông tư 10/2015/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về sản xuất ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao và siêu cao để cung cấp đến người sử dụng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như sau:

1. Ảnh viễn thám được nắn theo từng cảnh ảnh. Kích thước pixel ảnh nắn được tái mẫu không được lớn hơn 0,2mm trên bình đồ ảnh viễn thám. Giá trị bậc độ xám của điểm ảnh được nội suy theo phương pháp người láng giềng gần nhất, phương pháp song tuyến hoặc phương pháp nội suy bậc 3.

2. Mô hình hóa ảnh viễn thám được thực hiện bằng mô hình vật lý trong trường hợp có đầy đủ các thông số chụp ảnh và phần mềm phù hợp hoặc bằng các mô hình toán học khác (mô hình hàm hữu tỷ, mô hình hàm đa thức, mô hình affine, mô hình chuyển đổi tuyến tính trực tiếp, mô hình chuyển đổi lưới chiếu) trong trường hợp không đầy đủ các thông số chụp ảnh và phần mềm phù hợp.

3. Sử dụng các điểm đo GPS hoặc sử dụng mô hình số độ cao để nắn ảnh viễn thám trong trường hợp độ xê dịch vị trí điểm ảnh do chênh cao địa hình gây ra ³ 0,3mm theo tỷ lệ bình đồ ảnh viễn thám. Trường hợp ngược lại thì dùng mặt phẳng trung bình của cả khu vực để nắn ảnh.

Tùy thuộc phương pháp mô hình hóa mà xác định số lượng và đồ hình điểm khống chế ảnh. Trong trường hợp mô hình hóa ảnh viễn thám theo mô hình vật lý, cần xác định tối thiểu cho mỗi mô hình 10 điểm khống chế ảnh. Trong trường hợp mô hình hóa đa thức phải xác định cho mỗi mô hình trên 10 điểm khống chế ảnh trở lên rải đều khắp tờ ảnh. Trong trường hợp mô hình hóa vật lý cho 2 cảnh ảnh kề cận nhau hoặc tăng dày cho khối ảnh viễn thám thì phải chọn điểm khống chế vào khu vực gối phủ giữa 2 cảnh ảnh.

4. Kiểm tra sai số nắn chỉnh hình học:

a) Độ chênh trung bình vị trí các địa vật cùng tên trên bình đồ ảnh viễn thám nắn so với bản đồ không được lớn hơn 0,4mm đối với địa vật rõ rệt và không được lớn hơn 0,6mm đối với địa vật không rõ rệt;

b) Sai số tiếp biên địa vật giữa các cảnh ảnh nắn không được lớn hơn 0,7 mm ở vùng đồng bằng và 1,0 mm ở vùng núi;

c) Ảnh viễn thám nắn được đưa về hệ tọa độ VN2000 hoặc theo từng yêu cầu cụ thể.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nắn chỉnh hình học ảnh viễn thám. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 10/2015/TT-BTNMT.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
266 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào