'Người chết' trở về có quyền đòi lại tài sản bị chia?

Năm 2009 do gặp giông bão trên biển, tàu cá của tôi bị đánh chìm. Các thuyền viên khác được cứu trở về nhà, riêng tôi trôi dạt và được một ngư dân nước ngoài cứu. Sau thời gian dài không có thông tin, tưởng tôi chết, vợ đề nghị tòa án tuyên bố tôi đã chết. Hết giỗ tang của tôi, cô ấy lấy người khác, chia tài sản gồm một căn nhà, xe ôtô và nhiều sổ tiết kiệm khác của tôi cho cô ấy và các con. Cuối năm 2014, được sự giúp đỡ của một số người tốt tôi đã trở về. Xin hỏi tòa tuyên tôi chết như vậy đúng hay sai? Quan hệ hôn nhân của cô ấy và chồng mới có còn hợp pháp không? Tôi có quyền được đòi lại tài sản của tôi không?
Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật Dân sự năm 2005, một người bị tòa án tuyên bố là đã chết nếu thuộc trường hợp: ‘‘Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; biệt tích trong chiến tranh sau 5 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống…”.

Theo quy định nêu trên, trường hợp bạn bị thiên tai khi đánh cá trên biển, mất liên lạc với gia đình, nếu sau một năm mà vợ bạn không có thông tin gì là bạn còn sống thì vợ bạn có quyền đề nghị tòa án tuyên bạn là đã chết.

Điều 82 Bộ luật Dân sự 2005 cũng quy định: Khi quyết định của toà án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết. Quan hệ tài sản của người bị toà án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết. Tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Từ quy định trên có thể thấy khi bạn bị tòa án tuyên là đã chết thì các quan hệ về nhân thân, tài sản của bạn được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với người đã chết. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân của bạn và vợ bạn đã chấm dứt. Tài sản của bạn được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế được quy định tại các Điều 631, Điều 632, Điều 633, Điều 634, Điều 635, Điều 674, Điều 675 Bộ luật Dân sự.

Khoản 1 Điều 83 còn quy định “Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết”.

Do đó, bạn có quyền yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bạn đã chết. Trong trường hợp tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bạn đã chết thì quan hệ nhân thân của bạn được khôi phục. Tuy nhiên, nếu vợ bạn đã đi lấy chồng khác thì bạn không thể khôi phục được quan hệ vợ chồng.

Quan hệ hôn nhân mới của vợ bạn (với người chồng sau) được coi là hợp pháp vì điểm a, b khoản 2 Điều 83 quy định: “Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được toà án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Bộ luật Dân sự thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật” và “vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật” .

Về quan hệ tài sản của người bị tuyên bố chết mà trở về được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 83: “Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn. Trong trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Từ những phân tích trên có thể thấy, việc tòa án tuyên bạn là đã chết là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau khi tuyên bạn đã chết, vợ bạn kết hôn với người khác vì vậy khi bạn trở về thì quan hệ hôn nhân của vợ bạn với người chồng mới vẫn là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Bạn có thể yêu cầu vợ và con của bạn trả lại tài sản thừa kế cho bạn. Trong trường hợp vợ và con không trả lại tài sản cho bạn, bạn có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
230 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào