Công tác tổ chức xét tuyển đại học hệ chính quy các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được quy định thế nào?
Tổ chức xét tuyển đại học hệ chính quy năm 2017 được quy định tại Điều 13 Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT như sau:
1. Nguyên tắc xét tuyển:
a) Thí sinh có đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 của Quy chế này và đáp ứng yêu cầu của trường có quyền ĐKXT;
b) Thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký trừ quy định tại điểm c khoản này. Đối với mỗi thí sinh, nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan;
c) Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo Điều 7 của Quy chế này. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn;
d) Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung;
đ) Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm.
2. Hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Bộ GDĐT xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.
3. Nhiệm vụ của các trường:
a) Trước khi thí sinh làm thủ tục ĐKXT, các trường công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh ĐKXT: mã số trường, mã số ngành, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, tổ hợp xét tuyển, quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp, các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển và các quy định khác không trái với quy định của Quy chế này; nhập đầy đủ các thông tin về tuyển sinh của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trong thời hạn quy định. Riêng điểm nhận ĐKXT có thể quy định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và phù hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Quy chế này;
b) Các trường có thể tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển;
c) Thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 quy định tại khoản 5 Điều này và xét tuyển bổ sung quy định tại khoản 6 Điều này; quyết định điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển vào các ngành của trường và công bố kết quả trúng tuyển trong thời hạn quy định;
d) Cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học; báo cáo Bộ GDĐT kết quả nhập học của thí sinh sau mỗi kỳ tuyển sinh theo quy định.
đ) Chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH xác định theo Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Bộ GDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục ĐH; chỉ tiêu tuyển sinh CĐSP xác định theo quy định tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ GDĐT quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Đối với các trường được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ, chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường.
4. Nhiệm vụ của thí sinh:
a) Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí ĐKXT. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường;
b) Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi;
c) Xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển theo quy định tại điểm đ khoản 5 hoặc điểm e khoản 6 Điều này;
d) Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin ĐKXT và đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin ĐKXT và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
5. Xét tuyển đợt 1
a) Sau khi kết thúc thời gian ĐKXT, các trường tham khảo thông tin trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp;
b) Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường/nhóm trường khai thác thông tin (của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan) trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Các trường/nhóm trường (bao gồm cả các trường đặc thù quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 của Quy chế này) nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh được dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Các trường/nhóm trường điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định; quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức; công bố kết quả trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng khác;
đ) Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh;
e) Các trường tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học, cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT và quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung.
6. Xét tuyển bổ sung
a) Xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần;
b) Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1 (kể cả số thí sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị ĐH được giao về trường), Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển bổ sung;
c) Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1; công bố lịch xét tuyển;
d) Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định;
đ) Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển;
e) Thí sinh xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc theo quy định của từng trường;
g) Trường cập nhật danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tổ chức xét tuyển đại học hệ chính quy năm 2017. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?