Con không có quyền hủy di chúc của cha mẹ
Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Như vậy, pháp luật đã công nhận cá nhân có quyền lập di chúc thì những người hưởng thừa kế theo di chúc có nghĩa vụ tôn trọng di chúc, tôn trọng ý chí của người lập di chúc (trừ trường hợp di chúc được xác định là không hợp pháp).
Điều 652 Bộ luật Dân sự quy định di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự, trường hợp di chúc được xác định là không hợp pháp thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Việc xác định di chúc hợp pháp hay không hợp pháp thuộc thẩm quyền của tòa án.
Về việc hủy di chúc, Bộ luật Dân sự không có điều luật nào quy định cho phép những người thừa kế theo di chúc có quyền đề nghị Tòa án hủy di chúc (hoặc các đương sự tự hủy di chúc) bất luận di chúc đó hợp pháp hay không hợp pháp. Chỉ người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ.
Pháp luật về thừa kế cũng quy định đối với di chúc chung của vợ, chồng thì vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các thừa kế trong việc nhận di sản thừa kế, pháp luật cũng cho phép kể cả trường hợp di chúc được xác định là hợp pháp nhưng các thừa kế tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản khác với nội dung di chúc (với điều kiện nội dung thỏa thuận đó không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội) và có đề nghị tòa án thì tòa án cũng có thể xem xét và công nhận thỏa thuận này. Trường hợp này mặc dù di chúc không được sử dụng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tòa án hủy di chúc.
Như vậy, từ các quy định mà chúng tôi viện dẫn thì các anh chị em của bạn không có quyền đề nghị tòa hủy di chúc của cha mẹ để lại. Trường hợp các con tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản khác với nội dung di chúc mà sự thỏa thuận đó phù hợp với các điều kiện nói trên thì có quyền đề nghị Tòa án xem xét, công nhận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Tháng 11 âm lịch là tháng mấy dương lịch 2024? Xem lịch âm Tháng 11 2024 chi tiết?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?