Trường hợp nào được xếp lương theo trình độ đào tạo?

Ông Hồ Sỹ Tấn, Phó Chủ tịch HĐND xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, đăng ký học đại học từ xa do trường Đại học Vinh tổ chức năm 2012. Tháng 3/2016, ông tốt nghiệp và nộp bản photo bằng đại học cho Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính-Kế toán huyện để được nâng bậc lương. Tuy nhiên, ông Tấn được cho biết, từ tháng 9/2015 cơ quan không xếp lương theo trình độ đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ mới đối với cán bộ tự đi học. Ông Tấn đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc nâng lương với trường hợp của ông.

Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, đã quy định: "Cán bộ cấp xã đã được xếp lương theo một trong các ngạch công chức hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này, nếu sau đó có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo thì kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp được xếp lương theo trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mới".

Đồng thời, liên quan đến việc cán bộ, công chức cấp xã tự đi học để nâng cao trình độ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét để xếp lương cho phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sau khi tốt nghiệp, Sở Nội vụ tỉnh An Giang đã có văn bản xin ý kiến và đã được Bộ Nội vụ trả lời tại Công văn số 4363/BNV-CQĐP ngày 22/9/2015, theo đó Bộ Nội vụ tiếp tục khẳng định: "Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã tự túc đi học, không được cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo thì khi tốt nghiệp không áp dụng quy định tại Điểm đ, Khoản 2 và Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH".

Trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian vừa qua, để tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ, công chức như hiện nay, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quy chế tuyển dụng công chức cấp xã, trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn các chức danh công chức chuyên môn; trên cơ sở đó xác định rõ vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức để làm căn cứ tuyển dụng và bố trí sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá,... đó cũng là căn cứ để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức. 

Do đó, cán bộ, công chức trước khi đi học tập, bồi dưỡng phải báo cáo cơ quan tổ chức có thẩm quyền và phải được cơ quan tổ chức có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản cho phép cử đi học tập, bồi dưỡng (bao gồm các trường hợp cá nhân tự túc hoặc được nhà nước hỗ trợ kinh phí).

Đối với trường hợp của ông Hồ Sỹ Tấn, Phó Chủ tịch HĐND xã Đa Phước, huyện An Phú, Sở Nội vụ tỉnh An Giang rất hoan nghênh tinh thần tự học tập, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của ông. Riêng việc thực hiện chế độ chính sách phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

175 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào