Chuẩn các yêu cầu thuộc lĩnh vực kỹ năng sư phạm của giáo viên tiểu học được quy định thế nào?
Các yêu cầu thuộc lĩnh vực kỹ năng sư phạm của giáo viên tiểu học được quy định tại Điều 7 Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học ban hành kèm theo Quyết định 14/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ban hành như sau:
1. Lập được kế hoạch dạy học; biết cách soạn giáo án theo hướng đổi mới. Bao gồm các tiêu chí sau:
a) Xây dựng được kế hoạch giảng dạy cả năm học thể hiện các hoạt động dạy học nhằm cụ thể hoá chương trình của Bộ phù hợp với đặc điểm của nhà trường và lớp được phân công dạy;
b) Lập được kế hoạch tháng dựa trên kế hoạch năm học bao gồm hoạt động chính khoá và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp;
c) Có kế hoạch dạy học từng tuần thể hiện lịch dạy các tiết học và các hoạt động giáo dục học sinh;
d) Soạn giáo án theo hướng đổi mới, thể hiện các hoạt động dạy học tích cực của thầy và trò (soạn giáo án đầy đủ với môn học dạy lần đầu, sử dụng giáo án có điều chỉnh theo kinh nghiệm sau một năm giảng dạy).
2. Tổ chức và thực hiện các hoạt động dạy học trên lớp phát huy được tính năng động sáng tạo của học sinh. Bao gồm các tiêu chí sau:
a) Lựa chọn và sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc học tập của học sinh; làm chủ được lớp học; xây dựng môi trường học tập hợp tác, thân thiện, tạo sự tự tin cho học sinh; hướng dẫn học sinh tự học;
b) Đặt câu hỏi kiểm tra phù hợp đối tượng và phát huy được năng lực học tập của học sinh; chấm, chữa bài kiểm tra một cách cẩn thận để giúp học sinh học tập tiến bộ;
c) Có sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, kể cả đồ dùng dạy học tự làm; biết khai thác các điều kiện có sẵn để phục vụ giờ dạy, hoặc có ứng dụng phần mềm dạy học, hoặc làm đồ dùng dạy học có giá trị thực tiễn cao;
d) Lời nói rõ ràng, rành mạch, không nói ngọng khi giảng dạy và giao tiếp trong phạm vi nhà trường; viết chữ đúng mẫu; biết cách hướng dẫn học sinh giữ vở sạch và viết chữ đẹp.
3. Công tác chủ nhiệm lớp; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Bao gồm các tiêu chí sau:
a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác chủ nhiệm gắn với kế hoạch dạy học; có các biện pháp giáo dục, quản lý học sinh một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm học sinh của lớp;
b) Tổ chức dạy học theo nhóm đối tượng đúng thực chất, không mang tính hình thức; đưa ra được những biện pháp cụ thể để phát triển năng lực học tập của học sinh và thực hiện giáo dục học sinh cá biệt, học sinh chuyên biệt;
c) Phối hợp với gia đình và các đoàn thể ở địa phương để theo dõi, làm công tác giáo dục học sinh;
d) Tổ chức các buổi ngoại khóa hoặc tham quan học tập, sinh hoạt tập thể thích hợp; phối hợp với Tổng phụ trách, tạo điều kiện để Đội thiếu niên, Sao nhi đồng thực hiện các hoạt động tự quản.
4. Thực hiện thông tin hai chiều trong quản lý chất lượng giáo dục; hành vi trong giao tiếp, ứng xử có văn hoá và mang tính giáo dục. Bao gồm các tiêu chí sau:
a) Thường xuyên trao đổi góp ý với học sinh về tình hình học tập, tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và các giải pháp để cải tiến chất lượng học tập sau từng học kỳ;
b) Dự giờ đồng nghiệp theo quy định hoặc tham gia thao giảng ở trường, huyện, tỉnh; sinh hoạt tổ chuyên môn đầy đủ và góp ý xây dựng để tổ, khối chuyên môn đoàn kết vững mạnh;
c) Họp phụ huynh học sinh đúng quy định, có sổ liên lạc thông báo kết quả học tập của từng học sinh, tuyệt đối không phê bình học sinh trước lớp hoặc toàn thể phụ huynh; lắng nghe và cùng phụ huynh điều chỉnh biện pháp giúp đỡ học sinh tiến bộ;
d) Biết cách xử lý tình huống cụ thể để giáo dục học sinh và vận dụng vào tổng kết sáng kiến kinh nghiệm giáo dục; ứng xử với đồng nghiệp, cộng đồng luôn giữ đúng phong cách nhà giáo.
5. Xây dựng, bảo quản và sử dụng có hiệu quả hồ sơ giáo dục và giảng dạy. Bao gồm các tiêu chí sau:
a) Lập đủ hồ sơ để quản lý quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; bảo quản tốt các bài kiểm tra của học sinh;
b) Lưu trữ tốt hồ sơ giảng dạy bao gồm giáo án, các tư liệu, tài liệu tham khảo thiết thực liên quan đến giảng dạy các môn học được phân công dạy;
c) Sắp xếp hồ sơ một cách khoa học, đúng thực tế và có giá trị sử dụng cao;
d) Lưu trữ tất cả các bài làm của học sinh chậm phát triển và học sinh khuyết tật để báo cáo kết quả giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các yêu cầu thuộc lĩnh vực kỹ năng sư phạm của giáo viên tiểu học. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 14/2007/QĐ-BGDĐT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?