Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết
Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết được quy định tại Điều 6 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (có hiệu lực từ ngày 01/5/2017), theo đó:
Điều 6. Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết
1. Nguyên tắc phân tích so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập.
a) Bản chất giao dịch được đối chiếu giữa hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận giao dịch của các bên liên kết với thực tiễn thực hiện của các bên. Trường hợp người nộp thuế phát sinh giao dịch liên kết nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc thỏa thuận không phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập hoặc thực tế thực hiện không phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập giữa các bên không có quan hệ liên kết, giao dịch liên kết phải được xác định theo đúng bản chất kinh doanh giữa các bên độc lập, cụ thể: Bên liên kết nhận doanh thu, lợi nhuận từ giao dịch liên kết với người nộp thuế phải có quyền sở hữu và kiểm soát rủi ro kinh doanh đối với các tài sản, hàng hóa, dịch vụ, nguồn lực, quyền mang lại lợi ích kinh tế và các quyền tạo ra thu nhập từ cổ phần, cổ phiếu và các công cụ tài chính khác và người nộp thuế phát sinh chi phí từ giao dịch với bên liên kết phải nhận được lợi ích, giá trị kinh tế trực tiếp hoặc góp phần tạo ra doanh thu, giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập;
b) Bản chất giao dịch được xác định bằng phương pháp thu thập thông tin, chứng cứ, dữ liệu về giao dịch, rủi ro của các bên liên kết trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Phân tích so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết, không có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận giữa các bên. Trường hợp có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận, phải phân tích, xác định và thực hiện điều chỉnh loại trừ khác biệt trọng yếu theo các yếu tố so sánh quy định tại khoản 3 Điều này và phù hợp với từng phương pháp xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Phân tích so sánh tìm kiếm các đối tượng so sánh độc lập tương đồng:
a) Lựa chọn đối tượng so sánh độc lập nội bộ là giao dịch giữa người nộp thuế với bên không có quan hệ liên kết, đảm bảo tương đồng không có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận giữa các bên. Trường hợp không có đối tượng so sánh độc lập nội bộ tương đồng, thực hiện lựa chọn đối tượng so sánh theo điểm b và c khoản 3 Điều 9 Nghị định này. Việc so sánh giữa giao dịch liên kết và giao dịch độc lập được thực hiện trên cơ sở từng giao dịch đối với từng sản phẩm tương đồng. Trường hợp không thể so sánh giao dịch theo sản phẩm, việc gộp chung các giao dịch phải đảm bảo phù hợp bản chất, thực tiễn kinh doanh và việc áp dụng phương pháp xác định giá của giao dịch liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
b) Dữ liệu tài chính của các đối tượng so sánh phải đảm bảo độ tin cậy để sử dụng cho mục đích kê khai, tính thuế, phù hợp với các quy định về kế toán, thống kê và thuế. Thời điểm phát sinh giao dịch của các đối tượng so sánh độc lập phải cùng thời điểm phát sinh với giao dịch liên kết hoặc có năm tài chính cùng với năm tài chính của người nộp thuế, trừ trường hợp đặc thù cần thiết mở rộng thời gian so sánh theo quy định tại điểm d khoản này. Định dạng dữ liệu phải đảm bảo có thể so sánh, tính toán được các mức giá tại thời điểm giao dịch hoặc trong cùng kỳ tính thuế; dữ liệu so sánh về tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận phải đảm bảo ít nhất là ba kỳ tính thuế liên tục. Đối với các giá trị tỷ suất, tỷ lệ tương đối, người nộp thuế làm tròn số đến chữ số thứ hai sau dấu thập phân. Trường hợp số tương đối được lấy từ các số liệu công bố không có số tuyệt đối đi kèm và không sử dụng nguyên tắc làm tròn này thì lấy theo số liệu đã công bố có trích dẫn nguồn;
c) Số lượng tối thiểu đối tượng so sánh độc lập được chọn sau khi phân tích so sánh và điều chỉnh khác biệt trọng yếu được lựa chọn như sau: Một đối tượng trong trường hợp giao dịch liên kết hoặc người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết và đối tượng so sánh độc lập không có khác biệt; ba đối tượng trong trường hợp đối tượng so sánh độc lập có khác biệt nhưng có đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ tất cả các khác biệt trọng yếu và năm đối tượng trở lên trong trường hợp chỉ có thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ hầu hết các khác biệt trọng yếu của đối tượng so sánh độc lập;
Trong trường hợp các đối tượng so sánh được lựa chọn không có độ tin cậy tương đương nhau, thực hiện áp dụng phương pháp xác suất thống kê để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và lựa chọn giá trị giữa của tập hợp để điều chỉnh, xác định lại mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế theo các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 7 Nghị định này;
d) Đối với giao dịch liên kết mang tính đặc thù hoặc duy nhất không tìm kiếm được đối tượng so sánh độc lập để so sánh thì thực hiện mở rộng phạm vi phân tích so sánh về ngành, thị trường địa lý, thời gian so sánh để tìm kiếm đối tượng so sánh độc lập. Việc mở rộng phạm vi phân tích so sánh được thực hiện như sau: Lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập theo phân ngành kinh tế có tính tương đồng cao nhất với phân ngành hoạt động của người nộp thuế trong cùng thị trường địa lý; mở rộng thị trường địa lý sang các nước trong khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.
Trường hợp mở rộng phạm vi phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tại các thị trường địa lý khác, phải phân tích tính tương đồng và các khác biệt trọng yếu định tính và định lượng theo quy định tại điểm e khoản này và khoản 2 Điều 7 Nghị định này; hoặc sử dụng số liệu, dữ liệu của các đối tượng so sánh độc lập trong niên độ trước và thực hiện điều chỉnh các khác biệt trọng yếu do yếu tố thời gian (nếu có).
Thời gian mở rộng thu thập số liệu, dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập không quá một năm tài chính so với năm tài chính của người nộp thuế nếu sử dụng phương pháp xác định giá quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
đ) Căn cứ phương pháp xác định giá và các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn, thực hiện điều chỉnh mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước.
3. Phân tích so sánh áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát, điều chỉnh khác biệt trọng yếu đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập.
a) Yếu tố so sánh gồm đặc tính sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ, tài sản (sau đây viết tắt là đặc tính sản phẩm); chức năng hoạt động và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh; điều kiện hợp đồng và điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch;
b) Phân tích chức năng hoạt động và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh, phải xác định được các chức năng chính gắn với việc sử dụng các loại tài sản, vốn, chi phí, bao gồm việc hợp tác khai thác sử dụng nhân lực, chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết và rủi ro từ việc đầu tư tài sản, vốn, cũng như các rủi ro gắn với khả năng thu lợi nhuận liên quan đến giao dịch kinh doanh. Phân tích chức năng là căn cứ để xác định, phân bổ lại rủi ro sản xuất kinh doanh thực tế của các bên liên kết;
c) Phân tích các yếu tố so sánh đặc thù của tài sản vô hình, phải rà soát phân tích các quyền mang lại lợi ích kinh tế quy định tại hợp đồng, thỏa thuận và các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên. Phân tích tài sản vô hình phải căn cứ quyền sở hữu tài sản; lợi nhuận tiềm năng từ tài sản vô hình; các hạn chế về phạm vi địa lý trong việc sử dụng, khai thác quyền đối với tài sản vô hình; vòng đời của tài sản vô hình; các quyền và mối quan hệ mang lại lợi ích kinh tế; việc người được nhượng quyền có tham gia phát triển tài sản vô hình và chức năng hoạt động, khả năng kiểm soát rủi ro kinh doanh trên thực tế của từng bên liên kết liên quan đến toàn bộ quá trình phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình;
d) Phân tích điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch phải bao gồm lợi thế chi phí dựa trên yếu tố vị trí địa lý, chức năng chuyên môn hóa; trình độ phát triển của thị trường và các điều kiện kinh tế của ngành, lĩnh vực kinh doanh của người nộp thuế;
đ) Phân tích so sánh, loại trừ các khác biệt trọng yếu là phân tích loại trừ khác biệt về mặt định tính và định lượng đối với thông tin hoặc số liệu tài chính có ảnh hưởng trọng yếu đến yếu tố làm căn cứ xác định giá giao dịch liên kết theo từng phương pháp xác định giá quy định tại Điều 7 Nghị định này. Việc xác định khác biệt trọng yếu được căn cứ định lượng và định tính, bao gồm: Khác biệt định lượng là khác biệt xác định bằng số tuyệt đối về chu kỳ kinh doanh, số năm thành lập, hoạt động của doanh nghiệp hoặc số tương đối như khác biệt về chỉ tiêu tài chính theo đặc thù ngành nghề đầu tư hoặc chức năng hoạt động, khác biệt về vốn lưu động; khác biệt định tính là các thông tin được xác định căn cứ vào từng phương pháp xác định giá.
Các thông tin được xác định là trọng yếu bao gồm: Khác biệt về đặc tính sản phẩm, điều kiện hợp đồng, chức năng, tài sản và rủi ro và ngành nghề kinh doanh, điều kiện kinh tế của người nộp thuế và các đối tượng so sánh độc lập; các khác biệt về chính sách, môi trường đầu tư, tác động của chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh tại các thị trường địa lý khác nhau.
Các khác biệt định lượng và định tính phải được rà soát, điều chỉnh tương ứng với các yếu tố so sánh có ảnh hưởng trọng yếu đến phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 7 Nghị định này.
e) Kết quả phân tích là căn cứ lựa chọn đối tượng so sánh độc lập phù hợp với từng phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 7 Nghị định này.
4. Quy trình phân tích so sánh bao gồm các bước:
a) Xác định bản chất của giao dịch liên kết trước khi tiến hành phân tích tính tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập;
b) Phân tích so sánh, tìm kiếm, lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập tương đồng trên cơ sở xác định thời gian so sánh, đặc tính sản phẩm, điều kiện hợp đồng; phân tích ngành, thị trường, điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch; phân tích giao dịch liên kết và người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết; nguồn cơ sở dữ liệu; phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và điều chỉnh các khác biệt trọng yếu (nếu có);
c) Xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận căn cứ kết quả phân tích các đối tượng so sánh độc lập để làm cơ sở so sánh, áp dụng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước. Phương pháp tính toán phải được áp dụng thống nhất trong chu kỳ, giai đoạn sản xuất kinh doanh phù hợp chức năng, mô hình kinh doanh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết, được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?