Duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị được quy định như thế nào?

Duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập giúp đỡ. Duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Thu Hương (huong****@gmail.com)

Duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị được quy định tại Điều III Phần II Thông tư 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị   như sau:

1. Cắt tỉa cây trưởng thành

a) Các dạng cắt tỉa cây: Hàng năm cây xanh phải được cắt tỉa đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm tạo dáng cây và làm cho phát triển nhanh hơn và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Thông thường có các loại cắt tỉa cây như sau:

- Làm quang vòm (đỉnh, ngọn, chóp) lá: loại bỏ các cành lá khô và gẫy, những cành to bị bệnh hoặc nguy hiểm;

- Làm mỏng vòm lá: loại bỏ bớt tán lá để giảm cản trở sự đi qua của gió trong mùa mưa bão;

- Nâng cao vòm lá: loại bỏ những tán lá thấp nhất tạo thông thoáng tầm nhìn trên đường, các nơi có biển báo, đèn tín hiệu giao thông;

- Giảm bớt ngọn: khống chế chiều cao, làm thấp đỉnh ngọn cây bằng cách cắt tỉa tự nhiên ít nhất là 1/3 độ lớn của các cành cây to bị loại bỏ;

- Phục hồi ngọn: thực hiện việc cắt tỉa để lấy lại cấu trúc tự nhiên của cây sau khi cây bị cắt tỉa hoặc xén ngọn không đúng cách.

 b) Thời gian cắt tỉa: Để giảm khả năng có thể xảy ra bệnh tật do sâu bệnh, vi khuẩn, thời gian cắt tỉa được thực hiện theo đặc điểm khí hậu của từng vùng trung bình 2 lần/ năm, đặc biệt trước mùa mưa bão (trừ trường hợp vì lý do an toàn) như sau:

- Đối với tất cả các loại cây: không được cắt tỉa vào thời gian cành con đang đâm trồi;

- Đối với những cây vỏ mỏng: không được cắt tỉa vào mùa hè có thể gây tổn thương cho cây do ánh nắng mặt trời;

- Đối với những cây rụng lá vào thời kỳ nhất định (cây không có lá vào mùa đông): thời gian cắt tỉa tốt nhất vào tháng 10 đến tháng 1 năm sau;

- Đối với những cây nguy hiểm có thể được cắt tỉa vào bất cứ thời gian nào trong năm.

Sau khi cắt tỉa bôi thuốc để thân cây khỏi bị nấm, sâu bệnh xâm nhập.

2. Cắt tỉa cây chưa trưởng thành (cây non)

Cắt tỉa cây sớm sẽ tăng tuổi thọ cây và hiệu quả chi phí, cây sẽ được an toàn hơn và ít cành bị gẫy. Cây non nên được cắt tỉa vào năm thứ 2 sau khi trồng để tăng cấu trúc của cây và cắt tỉa đều đặn những năm sau đó.

3. Chăm sóc cây xanh đô thị

 Kiểm tra định kỳ cắt mé cành và nhánh nặng tán, lấy nhánh khô, khống chế chiều cao, chống sửa cây nghiêng, tạo dáng, bón phân, xử lý sâu bệnh và xử lý cây ký sinh bám trên cây chủ để tăng tuổi thọ của cây, đồng thời làm cỏ gốc, phá vỡ lớp đất mặt để khi tưới cây dễ thấm vào đất.

4. Cây nguy hiểm và xác định mức độ nguy hiểm của cây

Cây nguy hiểm phải được xác định mức độ nguy hiểm có thể tác động tới người, phương tiện và công trình, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục hoặc lập kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển cây. Đối với các cây xanh đã đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn, mục đích sử dụng phải lập kế hoạch từng bước đốn hạ thay thế dần. Cây thay thế, trồng mới phải có hình dáng, đường kính, chiều cao phù hợp với cảnh quan.

5. Giảm sự nguy hiểm và bảo tồn cây xanh

a) Xem xét, kiểm tra cây thường xuyên ít nhất một lần mỗi mùa trong năm;

b) Tránh trồng những cây rễ nổi dễ đổ và những cây ăn quả, cây có gai nhọn, mũ độc, cây có tán lớn nằm sát nhà dân và những cây giòn dễ gẫy trên đường phố có thể làm mất an toàn cho người, phương tiện và công trình;

c) Sử dụng đúng biện pháp cắt tỉa;

d) Có kế hoạch kiểm tra thường xuyên phát hiện cây nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời. Hạn chế những rủi ro của cây nguy hiểm bằng cách loại bỏ cành chết, gẫy.

6. Lập hồ sơ quản lý

a) Thống kê về số lượng, chất lượng, đánh số cây, lập hồ sơ cho từng tuyến phố, khu vực công cộng.

b) Đối với cây cổ thụ, cây cần bảo tồn ngoài việc thực hiện việc thống kê, phân loại, đánh số, cần phải treo biển tên và lập hồ sơ cho từng cây để phục vụ công tác bảo tồn, quản lý bảo đảm về mỹ thuật, an toàn khi chăm sóc.

c) Xác định cây nguy hiểm để lập hồ sơ theo dõi tình trạng phát triển và có kế hoạch thay thế kịp thời

7. Bảo vệ cây xanh trong quá trình xây dựng

a) Khi thi công các công trình ngầm và trên mặt đất, đơn vị thi công có trách nhiệm bảo vệ hệ thống cây xanh đã có trong và xung quanh khu vực công trường. Không được lấy thân cây làm chỗ tựa, đỡ để kéo sắt, thép, cấu kiện vật liệu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh tại khu vực thi công phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo hướng dẫn tại mục IV phần II Thông tư này.

b) Cây xanh giữ lại trong công trường xây dựng cần được bảo vệ bằng hàng rào tạm xung quanh cây để giữ cho ngọn, tán lá và cấu trúc cành cây không bị tiếp xúc với thiết bị, vật liệu và các hoạt động khác; bảo vệ rễ cây và điều kiện đất không bị thay đổi.

c) Phạm vi an toàn bảo vệ cây và rễ cây được xác định tối thiểu như sau: Bán kính vùng an toàn bảo vệ cây bằng 10 lần đường kính tại chiều cao tiêu chuẩn.

Trên đây là quy định về Duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 20/2005/TT-BXD.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
248 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào