Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017

Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017 được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập giúp đỡ. Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017 được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Hồng Thuận (thuan****@gmail.com)

Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017 được quy định tại Điều 3 Thông tư 326/2016/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 như sau:

1. Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển:

a) Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016­-2020, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Bố trí vốn cho các dự án thuộc danh mục dự kiến bố trí trong trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã có đầy đủ quyết định đầu tư, ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết dở dang; vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31 tháng 12 năm 2014 chưa bố trí nguồn để thanh toán. Không bố trí kế hoạch vốn năm 2017 đối với các dự án đến ngày 30 tháng 9 năm 2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, trừ trường hợp có lý do khách quan. Ngoài ra, đối với dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương, sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp Luật.

b) Ngoài việc thực hiện phân bổ, bố trí vốn và giao dự toán chi đầu tư phát triển như trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chú ý một số nội dung sau:

- Căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao, các địa phương bố trí thanh toán đủ các khoản chi trả nợ lãi, phí và các chi phí phát sinh khác từ tiền vay theo cam kết và dành nguồn tương ứng số bội thu ngân sách cấp tỉnh (nếu có) để trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương đến hạn phải trả trong năm 2017; phần còn lại mới phân bổ vốn cho các công trình, dự án, trong đó bố trí, cân đối đủ vốn cho các dự án, chương trình được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu theo quy định.

- Các khoản địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại đã tính trong tổng mức dự toán chi đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao, địa phương thực hiện phân bổ và giao theo đúng tổng mức, nội dung vay theo chương trình, dự án trên cơ sở các thỏa thuận vay đã ký kết và chỉ thực hiện giải ngân trong phạm vi dự toán được giao.

Trường hợp, địa phương dự toán giao có khoản vay trong nước và vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại, trong quá trình tổ chức thực hiện không có nhu cầu hoặc không vay hết nguồn vốn trong nước, thì được phép thực hiện giải ngân thêm nguồn vay từ nguồn Chính phủ vay về cho địa phương vay lại, nhưng không được quá tổng mức vay dự toán được giao.

Ví dụ: Tỉnh A, dự toán giao có tổng số vay trong năm 2017 là 500 tỷ đồng, bao gồm vay trong nước là 400 tỷ đồng, vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại là 100 tỷ đồng. Thực tế trong quá trình thực hiện nhu cầu giải ngân từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại là 200 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với dự toán, trong khi nhu cầu vay vốn trong nước chỉ 300 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với dự toán. Khi đó địa phương được phép giải ngân từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại là 200 tỷ đồng và vay từ nguồn trong nước là 300 tỷ đồng.

- Việc phân bổ, giao vốn thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách (nếu có) đảm bảo phù hợp với tiến độ và mức vay cho phép.

- Ưu tiên bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư tái tạo rừng từ nguồn thu thuế tài nguyên đối với gỗ rừng tự nhiên phát sinh hàng năm theo quy định của pháp Luật.

- Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA do địa phương quản lý từ ngân sách địa phương theo quy định.

2. Phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên:

a) Các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính hướng dẫn, Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi; phân bổ dự toán chi phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp Luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

- Đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề: Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán chi Thủ tướng Chính phủ đã giao; Phân bổ giảm kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo lộ trình Điều chỉnh học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ.

Đồng thời, các địa phương lập phương án xác định phần ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên để sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho người học thuộc đối tượng chính sách; tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương khi nhà nước Điều chỉnh mức tiền lương cơ sở; tăng chi cho một số nội dung cấp bách khác của ngành giáo dục.

- Đối với chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán chi Thủ tướng Chính phủ đã giao; việc phân bổ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2017 cho các hoạt động khoa học và công nghệ của ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Ngân sách cấp huyện, cấp xã không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ, được chi cho nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

- Đối với chi sự nghiệp y tế: Phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình Điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng ngân sách nhà nước giảm cấp đối với các khoản chi được kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị.

Đồng thời, các địa phương lập phương án xác định phần ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh để mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia sử dụng dịch vụ y tế công lập; tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương khi nhà nước Điều chỉnh mức tiền lương cơ sở; tăng chi cho y tế dự phòng; tăng chi cho một số nội dung cấp bách khác của ngành y tế.

- Đối với chi sự nghiệp bảo vệ môi trường: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ dự toán Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, chế độ chính sách, khối lượng nhiệm vụ phải thực hiện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, ưu tiên phân bổ để hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung bố trí kinh phí để xử lý rác thải y tế, vệ sinh môi trường trong các trường học, bãi xử lý rác thải, mua sắm phương tiện phục vụ cho thu gom rác thải, xử lý các điểm nóng về môi trường.

b) Căn cứ dự toán ngân sách giao năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Bố trí chi cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nộp ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại địa phương.

- Chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp Luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp Luật, công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020; thực hiện nhiệm vụ xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm địa phương thực hiện theo phân cấp (bao gồm cả nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông).

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ (nếu có) thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp theo quy định tại Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ, địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính theo Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ Trung ương ban hành đến thời điểm giao dự toán ngân sách năm 2017, nhất là kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, để các đối tượng được hưởng chính sách ngay từ đầu năm 2017. Các chế độ chính sách đã tính năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 không thay đổi kinh phí (do tăng mức, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách), các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện; trường hợp thừa, thiếu kinh phí so với mức đã bố trí dự toán năm 2017, căn cứ báo cáo kết quả thực hiện của các địa phương, Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán ngân sách năm 2018 để các địa phương có nguồn thực hiện.

Đối với các chế độ chính sách do Trung ương ban hành chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 (các chính sách tăng thêm do tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều và các chính sách ngân sách nhà nước hỗ trợ khi có đối tượng tham gia như kinh phí miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình), các địa phương chủ động rà soát đối tượng được hưởng, trong đó đối với các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội có đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, trước mắt áp dụng đối với đối tượng hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện, đồng thời báo cáo kịp thời gửi Bộ Tài chính để bổ sung kinh phí cho các địa phương trong quá trình Điều hành ngân sách năm 2017 theo quy định.

Đối với các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền, ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Trung ương ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp.

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2017, thực hiện Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng vì vậy trong thời gian từ ngày 01 tháng 1 năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2017 các địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương tiếp tục chi trả phần chênh lệch tiền lương đối với người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm theo quy định tại Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ mà tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh và các khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng thấp hơn tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, các khoản phụ cấp lương (nếu có) và tiền lương tăng thêm theo Nghị định số 17/2015/NĐ-CP tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng, đồng thời tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo chế độ quy định.

- Bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; kinh phí thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ; kinh phí rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chỉ thị số 144/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4 tháng 4 năm 2013của Thủ tướng Chính phủ.

3. Phân bổ, giao dự toán chi dự trữ quốc gia: Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước về dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân bổ và giao dự toán chi mua hàng dự trữ quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương quản lý hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo khớp đúng với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Trên cơ sở đó, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương phân bổ, giao kế hoạch cho các đơn vị dự trữ trực thuộc đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao và chi tiết theo từng danh mục mặt hàng theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia và quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Phân bổ, giao dự toán chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu: Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, Điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và trên cơ sở dự toán chi thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao; các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo đúng mục tiêu, quy định của pháp Luật đối với từng chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền giao;

b) Nguồn bổ sung có mục tiêu vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng được sử dụng hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng;

c) Căn cứ vào tình hình thực tế quyết định việc tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đảm bảo vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định; đồng thời huy động hợp lý các nguồn lực khác theo quy định của pháp Luật để thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia;

d) Ngoài các quy định tại điểm a, b, c khoản này, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện phân bổ giao dự toán chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết theo nội dung, dự án thành phần thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các đơn vị trực thuộc phù hợp với nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của từng Chương trình, dự án và theo quy định hiện hành. Đồng thời, bố trí dự toán chi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có chỉ tiêu về an toàn thực phẩm).

5. Phân bổ và giao dự toán kinh phí ủy quyền: Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình thì thực hiện phân bổ và giao dự toán cho cơ quan cấp dưới được ủy quyền để thực hiện nhiệm vụ chi đó. Cơ quan nhận kinh phí ủy quyền phải quyết toán với cơ quan ủy quyền khoản kinh phí này.

6. Phân bổ và giao dự toán chi từ nguồn vốn vay, viện trợ của nước ngoài:

a) Các Bộ, cơ quan Trung ương phân bổ chi tiết cho từng đơn vị sử dụng, chi tiết theo từng chương trình, dự án và đảm bảo khớp đúng tổng mức dự toán và từng lĩnh vực chi đã được Thủ tướng Chính phủ giao;

b) Các địa phương phân bổ chi tiết cho từng đơn vị sử dụng, chi tiết theo từng chương trình, dự án và đảm bảo khớp đúng tổng mức dự toán chi đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

7. Vay và trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương cấp tỉnh:

a) Các địa phương chỉ được phép vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc trong hạn mức Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao;

b) Bố trí từ nguồn bội thu; tăng thu, tiết kiệm chi; kết dư ngân sách để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ gốc đến hạn.

Đối với các địa phương có bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; kết dư ngân sách để trả nợ gốc, nhưng thực tế không có nguồn hoặc không bố trí đủ thì phải bố trí giảm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương (tăng mức bội thu) để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn.

c) Đối với các địa phương dự toán có vay để trả nợ gốc: Để bảo đảm nguồn trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn, khi phân bổ vốn chi đầu tư phát triển, địa phương phải chủ động dành nguồn để chi trả nợ gốc đến hạn; đồng thời, chỉ giải ngân thanh toán sau khi đã thực hiện được khoản vay. Trường hợp không vay được theo kế hoạch hoặc chỉ vay được một phần thì phải bố trí giảm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương (tăng mức bội thu tương ứng) để trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn.

Ví dụ 1: Tỉnh A (có vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc) dự toán chi đầu tư phát triển trong cân đối năm 2017 là 1.200 tỷ đồng, trong đó đầu tư phát triển từ nguồn bội chi là 200 tỷ đồng. Trong năm 2017 tỉnh phải trả nợ lãi, phí các khoản vay 10 tỷ đồng; trả nợ gốc là 100 tỷ đồng (trong đó trả nợ gốc từ nguồn vay là 70 tỷ đồng).

Khi đó, tổng mức chi đầu tư phát triển phân bổ tối đa đầu năm cho các dự án, công trình là 920 tỷ đồng (1.200 tỷ đồng - 200 tỷ đồng từ nguồn bội chi - 10 tỷ đồng trả lãi, phí - 70 tỷ đồng trả nợ gốc từ nguồn vay).

Trong quá trình thực hiện ngân sách, địa phương phải xây dựng phương án vay và phân bổ cụ thể nguồn vay này cho các dự án, công trình theo tiến độ vay. Trường hợp vay được theo kế hoạch sẽ phân bổ tiếp 270 tỷ đồng (gồm 200 tỷ đồng vay bù đắp bội chi + 70 tỷ đồng vay để trả nợ gốc); trường hợp không vay được, thì tổng mức đầu tư phát triển của tỉnh A năm 2017 chỉ ở mức là 920 tỷ đồng, phần 70 tỷ đồng trong vốn đầu tư phải dành để trả nợ gốc đến hạn và không có bội chi ngân sách năm 2017.

Ví dụ 2: Tỉnh B (không có vay bù đắp bội chi nhưng có vay để trả nợ gốc) dự toán chi đầu tư phát triển trong cân đối năm 2017 là 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2017 tỉnh phải trả nợ lãi, phí các khoản vay 10 tỷ đồng; trả nợ gốc là 100 tỷ đồng (trong đó trả nợ gốc từ nguồn vay là 70 tỷ đồng).

Khi đó, tổng mức chi đầu tư phát triển phân bổ tối đa đầu năm cho các dự án, công trình là 920 tỷ đồng (1.000 tỷ đồng - 10 tỷ đồng trả lãi, phí - 70 tỷ đồng trả nợ gốc từ nguồn vay).

Trong quá trình thực hiện ngân sách, địa phương phải xây dựng phương án vay và phân bổ cụ thể nguồn vay này cho các dự án, công trình. Trường hợp vay được theo kế hoạch sẽ phân bổ tiếp (70 tỷ đồng); trường hợp không vay được, thì tổng mức đầu tư phát triển của tỉnh B năm 2017 chỉ ở mức là 920 tỷ đồng, phần 70 tỷ đồng trong vốn đầu tư phải dành để trả nợ gốc đến hạn.

8. Bố trí dự phòng ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức dự phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao để chủ động sử dụng cho các nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước.

9. Trong quá trình quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách, trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình được hưởng theo chế độ quy định cao hơn mức cấp trên giao, thì dự toán chi bố trí tăng thêm tương ứng (không kể tăng chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết), sau khi dành 50% thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại cần ưu tiên bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tăng quỹ dự trữ tài chính để chủ động trong quá trình Điều hành ngân sách, nguồn còn lại khả năng đạt được dự toán thu mới phân bổ để thực hiện những nhiệm vụ, chế độ, chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền quyết định, xử lý thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản theo chế độ quy định.

10. Các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương giao kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư chi tiết đến Loại, Khoản của Mục lục Ngân sách nhà nước theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính, mã số dự án theo Quyết định số 90/2007/QĐ-BTC ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính, Quyết định số 51/2008/QĐ-BTC ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính và văn bản hướng dẫn bổ sung của Bộ Tài chính (nếu có).

Đơn vị dự toán cấp I lập phương án phân bổ chi thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chi chương trình mục tiêu giao cho đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, chi tiết đến Loại, Khoản và mã dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu ban hành theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02 tháng 6 năm 2008 và văn bản bổ sung của Bộ Tài chính (nếu có).

11. Đối với cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, việc phân bổ và giao dự toán thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

12. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực cụ thể, việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước căn cứ vào nhiệm vụ được giao năm 2017, phân loại đơn vị sự nghiệp, dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); dự toán chi tiết theo 2 phần: phần dự toán chi ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, phần dự toán chi nhiệm vụ không thường xuyên.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính thì phân bổ và giao dự toán chi vào phần dự toán chi nhiệm vụ không thường xuyên.

Đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện cơ chế thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định tại Quyết định của cấp có thẩm quyền.

13. Ngoài các nội dung phân bổ, giao dự toán hướng dẫn tại Thông tư này, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương còn phải thực hiện đúng quy định liên quan khác của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

Trên đây là quy định về Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 326/2016/TT-BTC .

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
354 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào