Nhân viên trông giữ làm mất xe của khách, nhà hàng phải bồi thường

Tôi đi ăn tại nhà hàng có nhân viên trông xe nhưng không đưa vé. Khi ra về, tôi không tìm thấy xe nữa. Hiện không ai bồi thường việc mất tài sản của tôi. Nhà hàng nói họ không chịu trách nhiệm. Tôi có thể khởi kiện nhà hàng được không? Chiếc xe mới mua, đó là cả gia tài đối với tôi.
Bộ luật dân sự không quy định hợp đồng gửi giữ phải lập thành văn bản, do đó việc anh vào nhà hàng gửi xe có nhân viên trông xe nhưng không đưa vé được coi là giữa hai bên đã xác lập hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể.

Theo quy định tại điều 559 Bộ luật dân sự năm 2005: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”. Do đó trong trường hợp này cần làm rõ giữa anh và nhà hàng có tồn tại hợp đồng gửi giữ tài sản hay không?

Vì thông tin anh cung cấp không đầy đủ, chi tiết nên có thể chia ra các trường hợp như sau:

- Trường hợp thứ nhất:

Anh gửi xe không lấy vé nhưng nếu giữa anh và nhà hàng có tồn tại hợp đồng gửi giữ xe thể hiện qua việc người trông xe này đã hướng dẫn, chỉ bảo cho anh nơi để xe rõ ràng và nơi này thuộc sự quản lý của nhà hàng, đồng thời nhà hàng không có bất kỳ sự khuyến cáo nào về việc anh phải tự bảo quản trông giữ xe của mình và các khách hàng khác đến đây đều được hướng dẫn giống như vậy thì có thể coi giữa anh và nhà hàng đã tồn tại hợp đồng gửi giữ xe.

Theo quy định tại khoản 1 điều 401 Bộ luật dân sự về hình thức hợp đồng dân sự “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”.

Bộ luật dân sự không quy định hợp đồng gửi giữ phải lập thành văn bản do đó việc anh vào nhà hàng gửi xe có nhân viên trông xe nhưng không đưa vé được coi là giữa hai bên đã xác lập hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể (thể hiện qua lời nói, hành vi chỉ dẫn, hướng dẫn của nhân viên bảo vệ, địa điểm gửi xe…). Trong các giao dịch dân sự, pháp luật tôn trọng sự thoả thuận của các bên nên giao dịch bằng lời nói hoặc bằng hành vi trong trường hợp này đều được chấp nhận. Khi anh giao xe cho nhân viên trông xe và được đồng ý (thể hiện qua lời nói, hành vi như dắt xe, chỉ dẫn, hướng dẫn nơi để xe của nhân viên bảo vệ…) thì giữa anh và người nhân viên này đã phát sinh quan hệ gửi giữ và không phải trả tiền công giữ xe. Quan hệ gửi giữ chỉ kết thúc khi anh nhận lại xe. Do đó người bảo vệ này có trách nhiệm trông xe cho anh.

Khoản 4 điều 562 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Bên giữ tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiêt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng; khoản 2 điều 561 Bộ luật dân sự nêu rõ: “Bên gửi giữ tài sản có các quyền sau đây: Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Với các căn cứ trên, anh có quyền yêu cầu người làm mất xe phải bồi thường cho anh. Tuy nhiên trong trường hợp này nếu người trông xe là người làm công cho nhà hàng, được nhà hàng trả tiền lương, giao nhiệm vụ trông xe thì tại điều 622 Bộ luật dân sự về Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra đã quy định: Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc dược giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy anh có quyền yêu cầu nhà hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường về việc làm mất xe khi anh đã gửi giữ tại nhà hàng. Còn sau đó nhà hàng có quyền yêu cầu người bảo vệ này chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho mình. Anh có cơ sở để yêu cầu nhà hàng bồi thường xe đã mất. Tuy nhiên khi yêu cầu Tòa án giải quyết anh phải cung cấp các chứng cứ để chứng minh việc anh đã gửi xe tại nhà hàng, giao xe cho người bảo vệ nhưng nhà hàng không có vé, không cần vé gửi xe.

- Trường hợp thứ hai:

Nếu anh vào ăn trong nhà hàng, người trông xe chỉ có tính chất hỗ trợ, dắt xe cho khách và nhất là đã có chỉ dẫn, thông báo rõ cho khách phải tự giữ xe và quản lý tài sản của mình, mất tài sản nhà hàng không chịu trách nhiệm thì giữa các bên không tồn tại hợp đồng gửi giữ do đó khi xảy ra việc mất xe nhà hàng không phải chịu trách nhiệm.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
352 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào