Thủ tục hải quan đối với trường hợp một doanh nghiệp có nhiều cửa hàng miễn thuế
Thủ tục hải quan đối với trường hợp một doanh nghiệp có nhiều cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế tại nhiều địa điểm khác nhau chịu sự quản lý của các Chi cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác nhau được hướng dẫn tại Điều 22 Nghị định 167/2016/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế, theo đó:
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
a) Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa để đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế theo quy định tại Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở chính;
b) Có hệ thống phần mềm quản lý đối với từng cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế, được kết nối với các Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế và Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở chính theo dõi được trên hệ thống phần mềm của doanh nghiệp về hàng hóa của tất cả các cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế;
c) Khi hàng hóa xuất ra khỏi cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế để chuyển đến cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế thuộc quản lý của Chi cục Hải quan khác, doanh nghiệp lập phiếu xuất kho theo quy định và có các thông tin: địa điểm cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế được vận chuyển đến; Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế được vận chuyển đến;
d) Chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên trạng hàng hóa đến các địa điểm cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế ghi trên phiếu xuất kho;
đ) Nộp báo cáo quyết toán theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 21 Nghị định này đến Chi cục Hải quan quản lý từng cửa hàng miễn thuế trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết năm tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện thủ công, doanh nghiệp nộp 03 bản giấy (bản chính) báo cáo quyết toán đến cơ quan hải quan (01 bản tại cơ quan hải quan quản lý từng cửa hàng miễn thuế, 01 bản lưu tại cửa hàng miễn thuế, 01 bản doanh nghiệp nộp cho cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế có trụ sở chính);
e) Nộp báo cáo quyết toán chung của doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế theo quy định tại Điều 21 Nghị định này đến Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Trường hợp thực hiện thủ công, ngoài báo cáo quyết toán chung, doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán của từng cửa hàng miễn thuế có xác nhận của cơ quan hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế hoàn thành việc kiểm tra báo cáo quyết toán;
g) Tuân thủ các quy định về kiểm tra báo cáo quyết toán quy định tại Điều 21 Nghị định này.
2. Trách nhiệm của cơ quan hải quan nơi hàng hóa chuyển đi:
a) Thực hiện giám sát hàng hóa xếp lên phương tiện vận chuyển, niêm phong hải quan;
b) Căn cứ thông tin trên phiếu xuất kho, thực hiện lập 02 biên bản bàn giao hàng hóa miễn thuế vận chuyển chịu sự giám sát hải quan theo Mẫu 06/BBBG kèm theo Nghị định này và giao cho doanh nghiệp để chuyển đến Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế nơi hàng hóa được vận chuyển đến;
c) Theo dõi thông tin về hàng hóa được vận chuyển đi, chủ trì truy tìm trong trường hợp quá thời hạn nhưng hàng hóa chưa đến địa điểm được vận chuyển đến.
3. Trách nhiệm của cơ quan hải quan nơi hàng hóa chuyển đến:
a) Căn cứ biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan nơi hàng hóa chuyển đi lập, thực hiện giám sát hàng hóa đưa từ phương tiện vận chuyển vào kho chứa hàng miễn thuế, cửa hàng miễn thuế;
b) Thực hiện xác nhận trên 02 biên bản bàn giao, 01 bản giao cho doanh nghiệp, 01 bản gửi cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa chuyển đi;
c) Theo dõi thông tin về hàng hóa vận chuyển, phối hợp với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi để truy tìm trong trường hợp quá thời hạn nhưng hàng chưa đến địa điểm được vận chuyển đến.
4. Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận báo cáo quyết toán, kiểm tra báo cáo quyết toán, gửi kết luận kiểm tra và báo cáo quyết toán đã hoàn thành kiểm tra đến Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Thời gian hoàn thành việc kiểm tra là 45 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán.
b) Thực hiện kiểm tra theo quy định tại Khoản 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 21 Nghị định này.
5. Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở chính có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận báo cáo quyết toán riêng từng cửa hàng miễn thuế, báo cáo quyết toán chung của doanh nghiệp, kết luận kiểm tra của Chi cục Hải quan quản lý từng cửa hàng miễn thuế;
b) Thực hiện việc kiểm tra tính hợp lý giữa các báo cáo quyết toán của từng cửa hàng miễn thuế, tính hợp lý giữa số liệu báo cáo và số liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử. Thực hiện xác nhận báo cáo quyết toán chung của doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế. Trường hợp số liệu trên báo cáo quyết toán và số liệu trên hệ thống có sự bất hợp lý, Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở chính có công văn trao đổi với Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế phát sinh số liệu bất hợp lý. Trường hợp phức tạp, báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố để Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan thành lập đoàn kiểm tra, thực hiện việc kiểm tra các cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế của doanh nghiệp.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Thủ tục hải quan đối với trường hợp một doanh nghiệp có nhiều cửa hàng miễn thuế, được quy định tại Nghị định 167/2016/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?