Thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định hiện hành
Căn cứ Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam như sau:
"1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Xin hồi hương về Việt Nam;
b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;
e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
2. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
3. Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
4. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam.”
Theo quy định trên, người muốn trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp là vợ, chồng, cha để, mẹ để hoặc con đẻ của công dân Việt Nam hoặc có công lao đóng góp cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được Chủ tịch nước xem xét cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam.
Đối chiếu theo quy định vào trường hợp của bạn, trước đó bạn mang quốc tịch Việt Nam nhưng đã thôi quốc tịch và nhập quốc tịch Đài Loan, bố bạn vẫn sinh sống ở Việt Nam và mang quốc tịch Việt Nam; trong trường hợp này bạn vẫn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Nếu bạn muốn giữ song quốc tịch cả Việt Nam và Đài Loan thì bạn phải được Chủ tịch nước cho phép.
Để xin trở lại quốc tịch Việt Nam, bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Luật quốc tịch 2008 như sau:
+ Đơn xin trở lại quốc tịch
+ Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
+ Bản khai lý lịch;
+ Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
+ Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam: bản sao Giấy khai sinh; bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó;
+ Giấy tờ chứng minh có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam.
- Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan lãnh sự Việt Nam đóng tại Đài Loan.
- Thời gian giải quyết: 2 tháng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?