Trình tự, thủ tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
Trình tự, thủ tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, theo đó:
1. Trình tự và cách thức thực hiện:
a) Hỗ trợ thiệt hại đối với dịch bệnh: Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định;
b) Hỗ trợ thiệt hại đối với thiên tai: Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết theo quy định.
2. Hồ sơ xin hỗ trợ:
a) Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4 và 5 tại Phụ lục I ban hành kèm theo; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có);
b) Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.
3. Trách nhiệm của các cấp:
a) Đối với dịch bệnh:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện thôn, bản, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị đinh này.
b) Đối với thiên tai: Thực hiện như quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có sự tham gia, phối hợp của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương trong việc kiểm tra, xác nhận thiệt hại và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 31 Luật phòng, chống thiên tai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổng hợp thiệt hại đề xuất và báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo các mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Thời hạn giải quyết hồ sơ: Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân các cấp (đối với dịch bệnh) hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp (đối với thiên tai) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Trình tự, thủ tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, được quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP . Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?