Trình tự xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú như thế nào?
Trình tự xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú được quy định tại Điều 16 Nghị định 27/2015/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu 'Nhà giáo Nhân dân', 'Nhà giáo Ưu tú' như sau:
1. Giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm
a) Người đứng đầu đơn vị cơ sở thông báo đến công chức, viên chức trong đơn vị (bao gồm cả đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này) tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định này. Các cá nhân tự giới thiệu và giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn. Người đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” chuẩn bị bản khai thành tích cá nhân;
b) Người có đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định này trực tiếp hoặc qua bưu điện về cơ quan, đơn vị đang công tác hoặc cơ quan, đơn vị đã công tác trước khi về nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội;
c) Người đứng đầu đơn vị triệu tập cuộc họp toàn thể công chức, viên chức, người lao động làm việc hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên trong đơn vị. Cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 3/4 số công chức, viên chức, người lao động dự họp;
d) Người đứng đầu đơn vị thông báo thành tích của từng cá nhân đề nghị xét tặng, tổ chức việc thảo luận, lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai. Đối với cơ sở giáo dục có số công chức, viên chức và người lao động từ 200 trở lên, việc giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại các tập thể có tổ chức Đảng và công đoàn bộ phận. Cá nhân đạt số phiếu tín nhiệm từ 80% trở lên được đưa vào danh sách xét chọn.
2. Tổ chức thẩm định hồ sơ và thăm dò dư luận
a) Tổ thư ký thẩm định hồ sơ và báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định công bố danh sách cá nhân đề nghị xét tặng bằng hình thức niêm yết công khai và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị (riêng Hội đồng cấp Nhà nước đăng tải danh sách đề nghị xét tặng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong thời gian ít nhất là 10 ngày làm việc để lấy ý kiến nhân dân);
b) Tổ thư ký tổng hợp kết quả thẩm định hồ sơ, kết quả thăm dò dư luận; gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên Hội đồng và tổ chức cuộc họp Hội đồng.
3. Họp Hội đồng và hoàn thiện hồ sơ
a) Hội đồng thẩm định về tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ; các tiêu chuẩn của cá nhân theo danh hiệu đề nghị đối với quy định tại các Điều 8, Điều 9 Nghị định này;
b) Hội đồng xử lý kiến nghị của các tổ chức, cá nhân (nếu có), thảo luận và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”;
c) Hội đồng hoàn thiện hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này, gửi lên Hội đồng cấp trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trình tự xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 27/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?