Quy trình kỹ thuật cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định như thế nào?

Quy trình kỹ thuật cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định như thế nào? Chào quý anh chị ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có một thắc mắc mong được các anh chị giải thích giúp tôi. Các anh chị cho tôi hỏi: Quy trình kỹ thuật cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định như thế nào? Rất mong nhận được câu trả lời của quý anh chị, tôi xin chân thành cám ơn!

Theo quy định hiện hành tại Điều 14 Thông tư 41/2016/TT-BTNMT thì trên cơ sở thông tin, số liệu quan trắc cho thấy khả năng xuất hiện hoặc đã xuất hiện những dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, cần thực hiện các nội dung sau:

1. Thu thập, xử lý các loại dữ liệu

a) Dữ liệu về địa hình, độ dốc địa hình, các trận lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ xuất hiện lũ quét, sạt lở đất tại khu vực cảnh báo có thể dưới dạng văn bản, bảng số liệu, bản đồ;

b) Dữ liệu quan trắc mưa, mực nước tại các trạm quan trắc thuộc khu vực cảnh báo và lân cận;

c) Dữ liệu ước lượng mưa bằng thông tin viễn thám thuộc khu vực cảnh báo và lân cận;

d) Dữ liệu vận hành hồ chứa thuộc khu vực cảnh báo và lân cận;

đ) Dữ liệu mô phỏng, dự báo mưa của các mô hình dự báo số trị;

e) Dữ liệu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy của các Trung tâm dự báo, cảnh báo thiên tai quốc tế (nếu có).

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng

a) Phân tích diễn biến mưa: Tổng lượng mưa trung bình lưu vực tích lũy từ 1 đến 2 tuần; tổng lượng mưa trung bình lưu vực, lượng mưa ngày lớn nhất, cường độ mưa lớn nhất trong 24 đến 48 giờ;

b) Phân tích diễn biến lũ thượng nguồn khu vực cảnh báo;

c) Đánh giá hiện trạng lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở khu vực cảnh báo;

d) Xác định hiện trạng vận hành của các hồ chứa trong khu vực hoặc thượng nguồn khu vực cảnh báo.

3. Thực hiện các phương án cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

a) Các phương án thường được sử dụng trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy bao gồm:

a1) Phương án dựa trên cơ sở phương pháp phân tích kinh nghiệm, chồng chập các loại bản đồ: Địa hình, độ dốc, phân vùng nguy cơ lũ quét, phân vùng nguy cơ sạt lở đất;

a2) Phương án dựa trên cơ sở phương pháp thống kê;

a3) Phương án dựa trên cơ sở sử dụng kết quả dự báo định lượng mưa từ các mô hình số trị, thông tin viễn thám (nếu có), kết hợp chồng chập các loại bản đồ: Địa hình, độ dốc, phân vùng nguy cơ lũ quét, phân vùng nguy cơ sạt lở đất;

a4) Phương án dựa trên cơ sở phương pháp mô hình số (thủy văn, thủy lực,...);

a5) Phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác (nếu có).

b) Các phương án cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được sử dụng tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia do Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định.

c) Căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định việc sử dụng các phương án cảnh báo cho phù hợp.

4. Thảo luận cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

a) Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả cảnh báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin gần nhất.

b) Tổng hợp các kết quả cảnh báo ban đầu từ các phương án khác nhau và các dự báo viên thực hiện cảnh báo.

c) Người chịu trách nhiệm duyệt bản tin lựa chọn kết quả cảnh báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất.

5. Xây dựng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

a) Đối với hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

a1) Tiêu đề bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo khu vực;

a2) Diễn biến mưa đã qua, tổng lượng mưa, khu vực mưa, cường độ mưa, thời gian mưa của khu vực dự báo;

a3) Nhận định, cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy của khu vực dự báo;

a4) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được thực hiện theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

a5) Thời gian thực hiện bản tin; thời gian ban hành bản tin tiếp theo.

b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.

6. Cung cấp bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

a) Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

Các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được cung cấp theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

b) Tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

7. Bổ sung bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

Trong trường hợp phát hiện các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất có diễn biến bất thường cần bổ sung bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này.

8. Đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

a) Nội dung đánh giá

a1) Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình kỹ thuật cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy;

a2) Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời việc cung cấp các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo quy định;

a3) Đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo thông qua so sánh các yếu tố dự báo với quan trắc thực tế theo các phương pháp đánh giá quy định.

b) Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

c) Các tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.

Quy trình kỹ thuật cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-BTNMT quy định về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
372 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào