Tranh chấp phần đất là di sản thờ cúng giải quyết thế nào?

Tranh chấp phần đất là di sản thờ cúng giải quyết thế nào? Bà nội em mất năm 1988 (Bà nội em là người đứng tên sổ đỏ). Sau khi bà mất, ông nội em chuyển toàn bộ đất 14.000 m2 qua cho ba đứng tên nhưng chưa chia đất. Năm 1991 ông nội em mất, để lại di chúc với nội dung: trên phần đất ba em đứng tên là chia cho 9 người con (5 gái + 4 trai). Nhưng riêng ba em và người con thứ 9 (là chú 9 em) được thêm một phần nữa dùng để giỗ ông bà. Nhưng di chúc không hợp lệ vì ông em mất do tai nạn, chỉ có bản nháp di chúc. Ba em vẫn đứng tên sổ đỏ Đến năm 2017, ba em mất không để lại di chúc. Thành viên trong gia đình em gồm mẹ và 4 chị em (4 gái). Cùng năm ba em mất, mẹ em chia cho cô chú em theo di chúc nháp ông nội để lại dưới hình thức tặng cho, mấy chị em em ký từ chối thừa kế tài sản của ba để mẹ sang tên đất cho mẹ. Hiện tại mẹ em là người đứng tên trên sổ đỏ phần đất còn lại ông nội chia cho ba. Hiện tại, mẹ em đang bán phần đất ông nội cho thêm để giỗ giữ lại phần đất ông nội cho. Nhưng người cô thứ hai của em làm đơn thưa mẹ em với chính quyền xã là mẹ em bán phần đất hương hỏa. Nhờ chính quyền giải quyết đòi phần đất chuyển phần đất đó qua cho chú chín em. Chính quyền xã không nhận đơn. Cô em tiếp tục đem lên huyện, huyện trình bày tranh chấp này là tòa án giải quyết . Cô thứ hai em làm như vậy là đúng không? Nếu xét về pháp luật thì mẹ em có được quyền bán phần đất chia để giỗ đó không? Em có thể kiện lại cô hai em là xúc phạm mẹ em không? Mấy chị em muốn bảo vệ mẹ thì phải làm sao? Mẹ em có thể sang tên bán đất cho người ta được hay không? Vì mẹ em đã nhận đặt cọc tiền bán đất để sửa nhà rồi. Tranh chấp phần đất là di sản thờ cúng được không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Theo đó, nếu người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có để lại di chúc hợp lệ chỉ định phần di sản dùng vào việc thờ cúng và người quản lý di sản đó thì người này chỉ được quản lý phần di sản đó để thờ cúng chứ không được chuyển nhượng.

Tuy nhiên như trình bày của bạn, khi ông bạn mất di chúc không hợp lệ và nội dung trong bản di chúc nháp đó lại định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn. Do đó di chúc này không có giá trị pháp lý và cũng không thể chia thừa kế theo pháp luật đối với 14.000m2 đất này được vì thời điểm ông mất, đất này đã sang tên cho bố bạn, nghĩa là tài sản riêng của bố bạn rồi chứ không phải là di sản mà ông bạn để lại.

Khi bố bạn mất khối tài sản này là di sản của bố bạn cho những người thừa kế theo pháp luật của bố bạn còn sống tại thời điểm đó là mẹ và bốn chị em bạn. Khi bốn chị em cùng làm thủ tục từ chối nhận di sản để sang tên cho một mình mẹ bạn đứng tên của 14.000m2 đất nói trên thì tài sản này trở thành tài sản riêng của mẹ bạn. Do đó mẹ bạn có toàn quyền định đoạt đối với tài sản này. Việc phân chia đất cho các cô chú đều dựa trên tình cảm và đạo lý theo ý nguyện của ông bạn thông qua thủ tục tặng cho chứ không phải là chia thừa kế theo di chúc bởi nếu căn cứ theo pháp luật, mẹ bạn không buộc phải chia đất cho các cô chú của bạn.

Sau khi tặng cho các phần đất nói trên, hai phần đất còn lại vẫn là tài sản riêng của mẹ bạn và trong đó không có phần đất nào là đất hương hỏa ông bà để lại cả. Cho nên mẹ bạn hoàn toàn có quyền chuyển nhượng bất kỳ phần đất nào trong hai phần đất nói trên.

Tóm lại như đã trình bày ở trên, ngay từ đầu đã không có di sản, cũng không có di chúc. Do đó việc người cô này kiện mẹ bạn là hoàn toàn không có căn cứ nên nếu nộp đơn đến tòa án nhân dân thì chắc chắn không được thụ lý. Ngoài ra nếu cảm thấy việc nộp đơn ra xã, phường hoặc trong quá trình tranh chấp người cô này có những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm mẹ của bạn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình bạn, thì bạn có thể trình báo đến cơ quan công an địa phương để can thiệp giải quyết. Bên cạnh đó, nếu có thể chứng minh được thiệt hại từ hành vi xúc phạm danh sự nhân phẩn này thì mẹ bạn có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tranh chấp phần đất là di sản thờ cúng. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
247 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào